Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Chọn mua ống macro

Ngoài khả năng chụp macro, các loại ống này cũng có thể chụp khung cảnh bình thường khác.
> Chiêm ngưỡng ảnh Macro độc đáo / Thế giới côn trùng và chế độ macro (1) / Thế giới côn trùng và chế độ macro (2)
Nếu đã chán với những khoảnh khắc hàng ngày và bắt đầu muốn khám phá một thế giới nhỏ bé hơn mà mắt thường ít khi để ý tới, đó là lúc bạn nên đầu tư cho một ống chuyên chụp macro.
Ống kính thông thường vốn được tối ưu hóa về độ sắc nét và tương phản theo hướng lấy nét tới vô cực, trong khi ống macro lại được thiết kế ngược lại, cho độ sắc nét, tương phản tối đa khi chụp ở khoảng cách rất gần. Do các ống macro vốn được được làm từ những thấu kính có độ sắc nét rất cao nên nhiều nhiếp ảnh gia vẫn lấy chúng làm ống chụp chân dung (dù đối lúc độ sắc nét hơi quá mức cần thiết). Tất nhiên, ngoài khả năng chụp macro thì chúng cũng có thể chụp khung cảnh bình thường như các ống khác.
Dưới đây là một số yếu tố cần quan tâm khi mua ống macro.
Ảnh: Photoradar.
Ống macro được làm từ những thấu kính có độ sắc nét rất cao. Ảnh: Photoradar.
Tỷ lệ phóng đại
Đối với ống macro, tỷ lệ phóng đại, hay tỷ lệ tái hiện là yếu tố quan trọng nhất. Các ống macro tiêu chuẩn thường có tỷ lệ phóng đại là 1:1, nghĩa là đối tượng được chụp sẽ có cùng kích thước trên cảm biến (giữ nguyên kích thước thực). Nếu tỷ lệ phóng đại là 1:2 nghĩa là đối tượng trên cảm biến chỉ nhỏ bằng nửa đối tượng thực. Ống kính có tỷ lệ phóng đại nhỏ hơn 1:1 thường không được coi là các ống macro thực thụ.
Cơ chế lấy nét
Ống macro đời mới đều có cơ chế lấy nét tự động, nhưng nếu bạn mua đời cũ, nên chọn các ống chỉ lấy nét tay, bởi đối với việc chụp macro, lấy nét tay chuẩn xác hơn và nhất là tiếng ồn của motor lấy nét đời cũ không làm các đối tượng macro (như côn trùng) bay đi mất.
Chống rung
Thông thường, chụp macro thường là các đối tượng rất nhỏ, nên bất kỳ rung động dù nhỏ nào cũng khiến ảnh bị mờ. Vì thế, tốt nhất là luôn dùng chân máy. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tính cơ động cao hoặc thích chụp macro bất chợt trên những đoạn đường chụp ảnh thì lựa chọn một ống macro có cơ chế chống rung sẽ giải pháp hữu hiệu.
Tiêu cự
Ống macro có nhiều tiêu cự khác nhau, nhưng phổ biến sẽ là các khoảng 50 mm, 60 mm, 100 mm, 105 mm và 180 mm. Thông thường, khoảng tiêu cự 50 - 60 dùng để chụp các đối tượng nhỏ hay sản phẩm mẫu, khoảng 95 – 105 mm là khoảng tiêu chuẩn cho chụp hoa, côn trùng hay các đối tượng nhỏ khác, còn khoảng lớn hơn 105 chủ yếu cho chụp các loại côn trùng khó tiếp cận. Một số ống zoom cũng cho phép chụp macro, tuy nhiên, thường là các ống này không hỗ trợ tỷ lệ phóng đại 1:1.
Sự khác nhau giữa các tiêu cự này cũng rất đa dạng, nhưng có thể nhận thấy ngay một xu hướng tiêu biểu chung đối với tất cả các hãng, là tiêu cự càng ngắn, ống kính càng rẻ, dù giá cả còn xê dịch theo độ mở ống kính to hay nhỏ nữa. Vả lại, các ống kính tiêu cự ngắn thường có kích cỡ và trọng lượng nhỏ nhẹ hơn.
Ví dụ, ống Sigma 50mm f/2.8 EX DG macro (giá tham khảo trên Amazon khoảng 300 USD), và nặng 320 gram. Trong khi ống 105mm f/2.8 EX DG macro của hãng này giá 479 USD và nặng khoảng 460 gram.
Nếu ngân sách của bạn hạn chế và nhất là muốn bắt đầu làm quen với thế giới macro thì thì việc lựa chọn ống kính tiêu cự ngắn để chụp các vật thể tĩnh, sản phẩm mẫu (như nhẫn…) sẽ là một giải pháp hợp lý. Nhưng để chụp côn trùng (bướm, bọ, sâu…) thì phải đứng từ xa, và lúc này các ống cỡ 100 mm hay 180 mm sẽ có ưu thế hơn dù giá thành có đắt đỏ.  
VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

anh.htt@gmail.com