Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Nhiếp ảnh cơ bản: Bố cục trong nhiếp ảnh (phần I)

Khi nhắc tới hai từ “bố cục” trong nhiếp ảnh, rất nhiều người ngay lập tức nghĩ tới “quy tắc 1/3”. Không sai khi nói rằng “quy tắc 1/3” là bố cục phổ biến và kinh điển trong nhiếp ảnh, nhưng cần lưu ý không đánh đồng hai khái niệm này với nhau. Thậm chí, nói “quy tắc 1/3” là một thể loại bố cục trong nhiếp ảnh cũng không đúng, bởi thực chất đó chỉ là một phần rất nhỏ (nhưng đơn giản, dễ áp dụng nên trở thành phổ biến) trong bố cục về vị trí các vật thể trong khung hình mà thôi. Để dễ hình dung hơn, có thể xem bảng sau:
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-i
 
Tuy nhiên, vì quá phổ biến và rất dễ áp dụng trong các thể loại ảnh chụp thông thường, nên ở phần tiếp theo sau, GenK vẫn sẽ đi sâu vào hướng dẫn bạn đọc cách vận dụng “quy tắc 1/3” này. Còn trước hết, xin được mạn đàm đôi lời về bố cục trong nhiếp ảnh.
 
1.      Bố cục trong nhiếp ảnh là gì? Tại sao tôi cần nó?
 
Theo Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Bình (Thạc sỹ Nhiếp ảnh truyền thông – Đại học Northeastern, Mỹ)  thì “bố cục hình ảnh trong nhiếp ảnh là việc sắp xếp hay sắp đặt các thành tố hình ảnh trong một không gian giới hạn để thể hiện được ý tưởng của nhiếp ảnh gia.”
 
Nhiều người vẫn thường cho rằng “tôi chụp hình cho vui là chính”, hoặc là “tôi ghét bị ràng buộc trong khuôn khổ” để trốn tránh việc tìm hiểu về bố cục trong nhiếp ảnh. Cũng có nhiều người hoang tưởng rằng mình là... thiên tài nhiếp ảnh, nên cố vặn vẹo người sao cho ra những tư thế và góc chụp thật kỳ quặc rồi tự gán những tấm hình đó hai chữ “phá cách”. Thực chất, bố cục trong nhiếp ảnh là một khái niệm quá rộng và bao gồm quá nhiều “tập con” mà không phải ai – ngay cả các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp – có thể khẳng định rằng mình biết được hết, bởi vậy đa phần những gì chúng ta nghĩ rằng mình đang “phá cách”, thực chất chỉ đang nằm trong một vùng tối mà mắt mình chưa nhìn thấy.
 
Một tấm hình không có bố-cục-theo-chủ-đích (để phân biệt với bố cục vô tình tạo ra trong quá trình tìm tòi... phá cách nói tới ở trên) cũng giống như một căn phòng lộn xộn ngổn ngang. Đôi khi, chỉ đôi khi thôi, chúng tạo ra đôi chút ấn tượng đối với người xem. Nhưng trong đa số trường hợp, người ta sẽ đặt câu hỏi “Rốt cuộc tấm hình này có ý nghĩa gì?” Căn phòng này có gì đặc biệt, đâu là những vật dụng quan trọng được sử dụng, chúng nằm ở đâu mất rồi? Bố-cục-theo-chủ-đích khi đó là công cụ để loại bỏ những chi tiết thừa, sắp xếp lại những gì cần thiết theo một trật tự nào đó để bất kỳ một người khách nào khi mở cửa bước vào phòng cũng dễ dàng nhận ra chúng, và đoán biết được phần nào tính cách của chủ nhân căn phòng.
 
Ngay cả với người sử dụng máy ảnh du lịch để chụp một tấm hình cho cả gia đình (hoặc nhóm bạn) khi đi du lịch, việc sắp đặt người cao đứng giữa, thấp dần về hai bên hay nam nữ xen kẽ, khuỵu gối xuống hất máy lên để lấy được cả mái nhà hay ngọn cây phía sau,... cũng là một kiểu bố cục trong nhiếp ảnh. Vậy có gì là không tốt nếu chúng ta nắm được phần nào đó kiến thức về chúng và áp dụng để có được những tấm hình đẹp hơn?
 
2.      Quy tắc 1/3 (The Rule of Thirds)
 
Như đã nói ở trên, bố cục trong nhiếp ảnh là một khái niệm rất rộng, bao gồm nhiều thể loại như bố cục ánh sáng, bố cục màu sắc, bố cục vị trí các vật thể trong khung hình. Trong khuôn khổ có hạn của bài viết này, GenK chỉ xin được giới thiệu tới bạn đọc “quy tắc 1/3”, một “tập con” trong bố cục về vị trí các vật thể trong khung hình.
 
Quy tắc 1/3 tạo bởi 2 đường cắt ngang và 2 đường cắt dọc, chia khung hình ra thành 9 phần bằng nhau:
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-i
Bố cục 1/3.
 
Các đường cắt dọc gọi là các “đường dọc mạnh”, các đường cắt ngang gọi là các “đường ngang mạnh” hay các “đường chân trời”, chúng giao nhau tại 4 điểm (đánh dấu đỏ) gọi là các “điểm mạnh”.
 
Một tấm hình tuân thủ tốt quy tắc 1/3 là khi người chụp đặt các điểm nhấn của chủ thể vào càng nhiều các đường mạnh và điểm mạnh càng tốt, và phần hậu cảnh nếu có đường chân trời thì đường chân trời này nằm song song hoặc trùng khớp với 1 trong 2 đường ngang mạnh.
 
Hãy xem các hình dưới đây để hiểu rõ hơn về cách xếp đặt theo quy tắc này. Nguồn hình: Internet.
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-i
Đường chân trời phía xa được đặt song song và gần sát với đường ngang mạnh phía trên. Phần đầu
của con thuyền được đặt tại điểm mạnh phía dưới bên trái.
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-i
Khung hình dọc cũng áp dụng quy tắc 1/3, với bông hoa hướng dương và cô gái đều nằm ở các điểm mạnh bên phải.
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-i
Ảnh chân dung vận dụng khá nhiều quy tắc 1/3. Trong tấm hình này, chủ thể là cô gái với toàn bộ trục cơ thể nằm trên 2 đường dọc mạnh bên
phải và ngang mạnh phía dưới, đi qua 3 điểm mạnh (quá tuyệt!). Đường chân trời phía sau nằm song song với đường ngang mạnh phía trên.
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-i
Chân dung cận cảnh cũng không phải ngoại lệ. Đặc biệt đôi mắt – “cửa sổ tâm hồn” là điểm nhấn thường được
khai thác nhiều nhất, được ưu ái đặt trên đường ngang mạnh và điểm mạnh phía trên bên phải.
 
Quy tắc 1/3 phổ biến và dễ áp dụng tới mức trong hầu hết mọi chiếc máy ảnh – từ du lịch tới ống kính rời, đều tích hợp sẵn thước ngắm phục vụ cho quy tắc này. Cụ thể trong kính ngắm (viewfinder) của máy ảnh ống kính rời, ta sẽ thấy nhìn các đường vạch mờ chia khung hình ra làm 9 phần đúng như trên. Còn ở máy ảnh du lịch, ngắm chụp qua LCD, ta có thể kích hoạt các đường vạch này bằng cách vào Menu / Camera Settings / Grid Lines: On.
 
Thậm chí tính năng này có ngay cả trên iPhone:
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-i
Bật gridlines trên iPhone.
 
Quy tắc 1/3 không phải là quy tắc duy nhất trong bố cục về vật thể trong nhiếp ảnh, nhưng đó lại là quy tắc thường gặp nhất với các thể loại hình chụp mà chúng ta hay thực hiện. Chỉ cần áp dụng nhuần nhuyễn quy tắc này – nhận định được đâu là điểm nhấn của chủ thể, đâu là đường chân trời, v..v.. là bạn đọc đã có thể nâng cao trình độ của mình lên rất nhiều rồi. Ở bài viết tuần tiếp theo, GenK sẽ giới thiệu tới bạn đọc thêm một số loại hình bố cục khác nữa, cũng như một số thủ thuật nho nhỏ khiến hình chụp trông “chuyên nghiệp” hơn.

Nhiếp ảnh cơ bản: Bố cục trong nhiếp ảnh (phần II)

bài viết tuần trước, GenK đã giới thiệu tới bạn đọc khái niệm cũng như tầm quan trọng của bố cục trong nhiếp ảnh, đồng thời hướng dẫn bạn đọc vận dụng quy tắc 1/3 vào bố cục ảnh chụp. Bởi vì bố cục trong nhiếp ảnh là một khái niệm rộng lớn mênh mông với vô vàn các tập con bên trong, nên người viết bài này không hề có tham vọng sẽ tổng hợp lại “tất cả” (ngay cả từ “tất cả” ở đây cũng xin được đặt trong ngoặc kép vì chỉ mang tính tương đối) các loại hình bố cục này. Thay vào đó, GenK sẽ giới thiệu tới các bạn một khái niệm ở mức độ tổng quát hơn, đó là tính cân bằng trong bố cục nhiếp ảnh. Và ở phần sau của bài viết, tác giả sẽ chia sẻ với bạn đọc một vài mẹo nho nhỏ để ảnh chụp được chuyên nghiệp hơn.
 
1. Tính cân bằng trong bố cục nhiếp ảnh
 
Tính cân bằng đóng một vai trò rất quan trọng trong bố cục tạo hình của nhiếp ảnh. Có thể chia đặc tính này ra thành 2 dạng: cân bằng đều và cân bằng lệch.
 
Một ví dụ của cân bằng đều:
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-ii
Nguồn: Internet.
 
Trong tấm hình này, có thể thấy nhiếp ảnh gia đã đặt đường chân trời (phân cách mặt nước) vào vị trí gần như chính giữa khung hình. Bằng cách đó, tấm hình được chia thành 2 nửa đối xứng nhau, với các vật thể phía bên trên được mặt nước bên dưới phản chiếu lại hoàn toàn. Kiểu cân bằng đều này rất thường được sử dụng trong nhiếp ảnh phong cảnh và nhiếp ảnh kiến trúc, bởi nó tạo cảm giác chặt chẽ và tĩnh lặng cho tấm hình.
 
Thay vì xếp đặt góc nhìn dựa trên vị trí các vật thể, cân bằng lệch lại thường là loại bố cục được xây dựng dựa trên sự đối lập về màu sắc hoặc kích thước của các vật thể trong khung hình:
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-ii
Ảnh của NAG James Dương - jamesphotoworld.com.
 
Nhìn ảnh trên, có thể thấy rằng quy tắc 1/3 thực ra cũng là một dạng của bố cục cân bằng lệch. Và thực vậy, cân bằng lệch là dạng bố cục mà ta sẽ thường bắt gặp nhiều hơn trong nhiếp ảnh, bởi nó ngay lập tức dẫn dụ con mắt người xem đến với điểm nhấn của tấm hình, trước khi “giải phóng” tầm nhìn về phía những khoảng không gian rộng lớn hơn, qua đó tạo cảm giác nhẹ nhõm, phóng khoáng cho người xem.
 
2. Một vài mẹo giúp bạn trở nên “chuyên nghiệp” hơn
 
Để trở thành một người chụp ảnh chuyên nghiệp – hay còn gọi là một nhiếp ảnh gia, có lẽ là điều không tưởng và cũng không phải là mục đích của đại đa số các bạn đọc đang đọc bài viết này. Tuy nhiên, khi đã bỏ tiền ra đầu tư một chiếc máy ảnh cho riêng bản thân mình, dù là du lịch bình dân hay ống kính rời cao cấp, chắc chắn không ai muốn ảnh chụp của mình chỉ dừng lại ở mức độ lưu niệm. Trong khi việc rèn luyện kỹ năng chụp ảnh cũng như học hỏi kiến thức về nhiếp ảnh là thứ không thể có được trong một sớm một chiều, thì một vài mẹo nho nhỏ sau đây có thể sẽ giúp bạn trở nên “chuyên nghiệp” hơn một chút trong mắt mọi người.
 
Sử dụng tỷ lệ ảnh 3:2
 
Tỷ lệ ảnh (hay tỷ lệ khung hình) là tỷ lệ kích thước hai cạnh liền kề nhau của một tấm hình. Tỷ lệ này về bản chất chính là tỷ lệ kích thước hai cạnh liền kề nhau của cảm biến nằm bên trong máy. Với máy ảnh du lịch, tỷ lệ này là 3:4, trong khi đó máy ảnh ống kính rời lại có tỷ lệ ảnh là 3:2.
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-ii
Tỷ lệ ảnh 3:4. Ảnh: Tiểu Phong.
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-ii
Tỷ lệ ảnh 3:2. Ảnh: Tiểu Phong.
 
Trong số ít trường hợp, tỷ lệ ảnh 3:4 cho hiệu quả tốt hơn vì chúng bao phủ được một diện tích lớn hơn của khung hình (như ở ví dụ trên), nhưng trong đại đa số trường hợp, tỷ lệ ảnh 3:4 tạo cảm giác “béo phì” cho tấm hình, và nó cũng không tương thích với kích cỡ ảnh in 12x18cm (có tỷ lệ 2 cạnh tương đương 2:3) mà ta thường sử dụng. Bởi vậy trước khi chụp, hãy vào Menu / Camera Settings / tìm mục Aspect Ratio (hoặc bất cứ mục nào tương tự có chữ ratio kèm theo các tùy chọn 3:2, 3:4, 1:1, 16:9, v..v.. tùy theo cách đặt tên của từng máy) và chuyển về tỷ lệ ảnh 3:2. Một số máy (du lịch) không có tùy chọn này thì bạn có thể chụp bình thường (với tỷ lệ 3:4) rồi sử dụng một phần mềm chỉnh sửa ảnh hậu kỳ nào đó để cắt (crop) hình lại theo tỷ lệ 3:2. Bằng cách đơn giản này, bạn sẽ có được một tấm hình với tỷ lệ khung hình đẹp hơn, và… “đánh lừa” người xem rằng bạn đang sở hữu một chiếc máy ảnh ống kính rời! (just for fun)
 
Tránh để lộ điểm yếu của cả máy lẫn người chụp
 
Nếu chiếc máy ảnh của bạn khử noise không tốt thì đừng chụp với ISO cao. Thông thường máy ảnh du lịch chỉ nên chụp với ISO từ 400 trở xuống. Với máy ảnh ống kính rời, con số này có thể là 800, 1600 hoặc 3200 tùy theo mức độ hiện đại cũng như giá thành của chúng. Đây chính là một ví dụ về tránh để lộ điểm yếu của chiếc máy mình đang dùng.
 
Về phía người chụp, khi chưa chắc chắn về một thể loại ảnh chụp nào đó thì đừng “mạnh miệng” tuyên bố rằng mình có thể. Bởi ngay lập tức sau đó, rất có thể bạn sẽ rơi vào cảnh “há miệng mắc quai”, bị người khác nhờ chụp đúng thể loại đó. Những thể loại ảnh như phơi sáng, ngược sáng, “đóng băng” chuyển động mà GenK từng nhắc tới đều cần đến kiến thức vững vàng, sự luyện tập và phần nào đó sự trợ giúp từ thiết bị chứ không đơn giản cứ giơ máy lên là làm được.
 
Sử dụng một phần mềm chỉnh sửa ảnh hậu kỳ
 
Không nhất thiết cứ phải là Photoshop, một phần mềm chỉnh sửa ảnh hậu kỳ với các tính năng đơn giản, tự động cũng có thể khiến tấm hình của bạn trở nên đẹp hơn. Cá nhân người viết xin khuyến cáo các bạn thử cài đặt và sử dụng phần mềm miễn phí Photoscape phiên bản mới nhất 3.6.2 (HĐH Window). Đây là một phần mềm rất nhẹ, chỉ 15-16 Mb nhưng rất mạnh mẽ và thông minh. Link download tại đây: http://www.photoscape.org/ps/main/download.php/
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-ii
Phần mềm Photoscape với giao diện trực quan, dễ sử dụng.
 
Cách sử dụng một phần mềm chỉnh sửa hậu kỳ theo kiểu one-click (một nhát ăn luôn) này rất đơn giản: load ảnh vào, bấm vào nút auto (auto white balance là tự động cân bằng trắng lại cho ảnh, auto contrast là tự động tăng giảm độ tương phản lại cho ảnh, v..v..), so sánh với ảnh gốc – nếu thấy đẹp hơn thì save lại, không đẹp bằng thì undo.
 
Thu nhỏ hình trước khi chia sẻ và tăng độ sắc nét (sharpness) cho ảnh sau khi thu nhỏ (resize) hình
 
Với những dịch vụ chia sẻ ảnh trực tuyến như Flickr, 500px hay thậm chí Facebook, cũng đều có một mức giới hạn về dung lượng hoặc kích thước ảnh tối đa được upload lên. Lấy ví dụ với Facebook: nếu bạn upload một file ảnh với kích thước lớn hơn cho phép (tối đa là 1024 pixel), Facebook sẽ tự động resize lại ảnh của bạn tron quá trình uploading. Vấn đề là thuật toán mà Facebook sử dụng để resize ảnh có chất lượng rất tệ, kết quả là ảnh upload lên trên website này thường bị mất chi tiết và vỡ hình kinh khủng. Bởi vậy, bạn nên tự resize hình về kích thước tối đa này bằng một phần mềm nào đó (có thể là Photoscape ở trên) trước khi tải lên để tránh bị Facebook “mó tay vào”.
 
Sau khi resize hình, tức là lược bỏ bớt đi một số pixel trong hình mà phần mềm cho rằng không cần thiết, cần làm tăng độ nét lại cho tấm hình bằng cách sử dụng tính năng sharpen trong phần mềm chỉnh sửa trước khi upload.
 
Tránh lạm dụng chữ ký
 
Chữ ký giúp khẳng định bản quyền của tấm hình. Tuy nhiên, khi hình chụp ra còn chưa đẹp thì bạn đừng quá ham hố chuyện đóng lên nó một cái chữ ký thật oách theo kiểu “abc | photography” hay là “xyz photographer | copyright”.  Chữ ký lúc này rất dễ gây tác dụng ngược, khiến người xem thêm phản cảm với tấm hình.
 
Với một tấm hình đẹp, chữ ký cũng cần chọn lựa font màu cẩn thận, với kích thước vừa đủ và vị trí nằm hợp lý, tránh làm hỏng bố cục hoặc che mất những chi tiết quan trọng của tấm hình.
 
Và cuối cùng: đừng upload tràn lan
 
Thời đại của Facebook, việc đăng tải và chia sẻ ảnh trở nên rất đơn giản và nhanh chóng. Tuy vậy, trừ những album ảnh mang tính chất lưu niệm, với những album ảnh mang hơi hướng nghệ thuật một chút như “Street-life” (Đời thường), “Portrait” (Chân dung), hay “Sen”, “Tháng Tám mùa Thu”, “Chiều ngược nắng”, v…v.. hãy chắt lọc và chỉ đăng tải lên những tấm hình đắt giá nhất. Bấm Next liên tục để xem đến mười mấy tấm hình na ná nhau sẽ khiến người xem ngán đến tận cổ.

Đồ chơi số Nhiếp ảnh cơ bản: Thiết lập các thông số trước khi chụp ảnh

Các bạn thân mến, chuyên đề máy ảnh số trên GenK đã hoạt động được hơn hai tháng. Đến giờ phút này, bạn không thể chỉ "đọc cho vui" mà cần phải theo dõi loạt bài viết đã lên trang trước đó mới có thể hiểu toàn bộ những kiến thức được đề cập tới tại bài viết ngày hôm nay. Xem lại tại đây và xin bạn đọc hãy nhớ rằng, chuyên đề máy ảnh số không chỉ dành riêng cho những ai đang sở hữu máy ảnh DSLR. Ngay cả nếu bạn chỉ đang sở hữu một chiếc máy ảnh du lịch đi chăng nữa, loạt bài viết của chúng tôi cũng sẽ trang bị cho bạn những kiến thức nhằm tận dụng tối đa khả năng của nó.
 
Trong bài viết Nhiếp ảnh cơ bản: Các bước chụp một tấm hình, chúng ta có đề cập đến 4 bước bao gồm: Bật máy, Chọn chế độ chụp phù hợp, Lấy nét và chụp, Xem lại và xóa. Tuy nhiên trên thực tế, nếu lựa chọn một trong số các chế độ chụp nâng cao (xem lại bài viết Các chế độ chụp thường gặp trên máy ảnh) chúng ta còn đồng thời phải thiết lập một số các thông số khác bởi khi đó máy ảnh sẽ dành cho chúng ta rất nhiều “đất” để sáng tạo và làm chủ chiếc máy. Việc thiết lập các thông số này có ý nghĩa như nhau trên cả máy ảnh ống kính rời lẫn máy ảnh du lịch.
 
1. Thiết lập giá trị phơi sáng (EV)
 
Với 3 chế độ chụp P, A và S, người chụp cần xác lập giá trị EV mong muốn từ trước khi chụp (xem lại bài viết Các thông số cơ bản trong nhiếp ảnh: Sự phơi sáng để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của giá trị EV này) để tạo ra tấm hình với độ phơi sáng như mong muốn. Mặc định EV=0 được coi là “đủ sáng” Các giá trị dương (+) sẽ điều chỉnh máy cho lượng sáng nhiều hơn với thực tế, giá trị âm (-) thì ngược lại. Tuy nhiên không phải lúc nào giá trị EV=0 mặc định cũng cho ánh sáng đúng với thực tế những gì mắt người nhìn thấy, nguyên nhân có thể do tính năng đo sáng làm việc sai, hoặc người dùng thiết lập cách thức đo sáng không chính xác (xem phần 2 trong bài viết này). Trong nhiều trường hợp, giá trị này sẽ cần phải giảm xuống (tương tự như mắt người khi nhìn giữa buổi trưa nắng gắt phải nheo lại và lấy bàn tay che phía trên lông mày) hoặc tăng lên (tương tự như khi nhìn ban đêm, ta thường phải cố mở mắt to ra để nhìn được rõ hơn).
 
Lúc này máy ảnh sẽ tự tính toán các thông số còn lại (tốc độ chụp, độ mở ống kính, độ nhạy sáng ISO) để hình chụp ra đạt đúng giá trị EV đã thiết lập.
 
Vì là một thông số vô cùng quan trọng, nên giá trị EV thường được ưu ái đặt trên một nút bấm riêng để người dùng có thể truy cập nhanh thay vì phải vào sâu trong Menu trên màn hình. Nút bấm này thường được ký hiệu như sau:
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Nút EV (khoanh màu đỏ) trên máy ảnh ống kính rời.
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Nút EV (khoanh màu đỏ) trên máy ảnh du lịch.
 
2. Thiết lập cách thức đo sáng (Metering)
 
Mỗi vật thể riêng rẽ trong cùng một tấm hình đều mang các giá trị sáng khác nhau. Ví dụ giá trị sáng của một chiếc bóng đèn điện chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều lần giá trị sáng của một con đom đóm. Thiết lập Metering là thiết lập cách thức mà máy ảnh sẽ ghi nhận từng giá trị sáng riêng rẽ này, rồi tổng hợp chúng lại thành một giá trị phơi sáng chung cho cả tấm hình sẽ chụp ra. Tùy theo thể loại ảnh mà chúng ta sẽ sử dụng các cách thức đo sáng khác nhau.
 
+ Matrix metering hay Evaluative/ Pattern metering: đo sáng kiểu ma trận. Máy ghi nhận giá trị sáng tại tất cả các vùng sáng tối trong khung hình, rồi sau đó tính toán để đưa ra một giá trị phơi sáng cân bằng nhất, đảm bảo mọi vật thể tại mọi vị trí trong khung hình đều ít nhiều nhận được một lượng ánh sáng chấp nhận được. Cách thức đo sáng này thường được sử dụng trong thể loại ảnh phong cảnh.
 
+Spot metering: đo sáng điểm. Máy ghi nhận và tái hiện chính xác giá trị phơi sáng tại điểm được lấy nét (tạm gọi là giá trị sáng gốc). Giá trị sáng tại các vùng còn lại trên tấm hình được tái hiện dựa trên tỷ lệ tương quan với giá trị sáng gốc này. Đây là cách thức đo sáng “buộc phải sử dụng” khi chụp ảnh chân dung, đặc biệt là chân dung trong điều kiện ngược chiều ánh sáng.
 
+ Center-weight metering: đo sáng vùng bao quanh điểm lấy nét. Đảm bảo vùng trung tâm xung quanh điểm lấy nét của tấm hình (bao gồm vị trí đặt điểm lấy nét và các vùng liền kề xung quanh) chụp ra được “đủ sáng”, trong khi các vùng sáng tối ở xa hơn có thể có sự sai lệch trong giới hạn cho phép. Thực tế Center-weight metering là cách thức đo sáng chỉ xuất hiện từ khi máy ảnh số trở nên phổ biến. Còn trước đó, trong thời kỳ máy phim lẫn máy ảnh số sơ khai, cách thức đo sáng chỉ bao gồm Matrix và Spot, cũng là hai cách thức mà chúng ta thường sử dụng nhất.
 
+ Partial metering: cách thức đo sáng ít gặp, nằm đâu đó giữa spot metering và center-weight metering.
 
Ký hiệu và minh họa cách thức đo sáng của từng loại trên:
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Máy ảnh ghi nhận giá trị sáng tại các vùng ảnh màu xám (độ đậm của màu xám thể hiện mức độ được
chú trọng nhiều hơn) rồi đưa ra giá trị phơi sáng cuối cùng cho tấm hình chụp ra.
 
Metering mode trên máy ảnh ống kính rời thường được đặt trên một nút bấm riêng. Đối với máy ảnh du lịch, nó cũng có thể nằm trên một nút bấm riêng hoặc nằm sâu bên trong Menu tùy chỉnh.
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Nút tùy chỉnh Metering dạng bấm (khoanh màu đỏ).
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Nút tùy chỉnh Metering dạng xoay gạt.
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Tùy chỉnh Metering trên Menu bên trong máy.
 
3. Thiết lập kiểu chụp (Drive):
 
Thiết lập kiểu chụp của máy: Chụp đơn (single) từng tấm một, Chụp liên tiếp (continous) nhiều tấm liên tiếp cho tới khi đầy bộ nhớ đệm, hay Chụp hẹn giờ (self-timer). Một số máy có tính năng High Continous giúp chụp liên tiếp được nhiều tấm hình hơn trong 1 giây, nhưng độ phân giải ảnh sẽ bị giảm đi.
 
Cách sử dụng các kiểu chụp này sao cho hiệu quả đã được nói tới kỹ càng trong loạt bài viết Vận dụng tốc độ chụp, mời các bạn xem lại để hiểu rõ hơn.
 
Nút thiết lập Drive:
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Nút thiết lập Drive mode (khoanh màu đỏ).
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Thiết lập drive mode trên Menu bên trong máy.
 
4. Thiết lập cân bằng trắng (White Balance / WB)
 
Xác định loại nguồn sáng hay điều kiện ánh sáng tại thời điểm chụp (điều kiện sáng là trời nắng gắt, trời nhiều mây… / nguồn sáng là đèn huỳnh quang, đèn sợi đốt…) để từ đó máy ảnh tái tạo màu sắc cho tấm hình được chính xác. Với sự phát triển của công nghệ ngày nay, máy ảnh số làm việc khá tốt trong việc tự động xác định nguồn sáng / điều kiện sáng nên người dùng có thể yên tâm để WB ở chế độ Auto, hoặc các thiết lập WB có sẵn trên máy. Với người sử dụng các mẫu máy ảnh số cao cấp hay chuyên nghiệp, còn có thể lựa chọn cân bằng trắng theo độ K hoặc custom. Ký hiệu và ý nghĩa của chúng như sau:
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
 
Ký hiệu và ý nghĩa của các loại WB (cột bên trái, từ trên xuống dưới): Cân bằng trắng tự động, Cân bằng trắng tùy chọn, Cân bằng trắng theo nhiệt độ màu Kelvin, Cân bằng trắng với nguồn sáng bóng đèn sợi đốt, bóng đèn huỳnh quang, ánh sáng ban ngày, đèn flash, trời nhiều mây, bóng râm.
 
Cột bên phải minh họa rõ nét hơn về các sử dụng Cân bằng trắng theo nhiệt độ màu Kelvin. Theo đó, nhiệt độ màu càng cao tương ứng với nguồn sáng càng lạnh, lúc này máy sẽ phải bổ sung thêm gam màu lạnh vào hình chụp để bù lại.
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Nút tùy chỉnh WB (khoanh màu đỏ) trên máy ảnh.
 
5. Thiết lập độ nhạy sáng (ISO)
 
Như bài viết Các thông số cơ bản trong nhiếp ảnh: Sự phơi sáng đã phân tích, ISO cao cho tốc độ chụp nhanh hơn, khắc phục được nhược điểm của những ống kính có độ mở nhỏ, tuy nhiên bù lại, chất lượng ảnh sẽ kém đi với nhiều hạt (noise) và sự sai lệch trong tái hiện màu sắc. Với các mẫu máy ngày nay, ISO tối đa có thể lên tới 128.000, nhưng thực sự đó chỉ là con số mang tính chất chạy đua công nghệ giữa các hãng với nhau, vì chẳng ai cần đến mức ISO “điên rồ” đó cả. ISO 50-100 được coi là tốt nhất cho ảnh chụp chân dung (ngoài trời, đủ sáng) vì chúng tạo hiệu ứng mịn da (khỏi cần Photoshop) cho người mẫu. ISO 200-800 phù hợp với ảnh chụp trong nhà, trời chiều muộn. ISO 800-1600 phù hợp với ảnh chụp buổi tối, ánh sáng yếu.
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Nút tùy chỉnh ISO.
 
6. Thiết lập cách thức lấy nét (Focusing)
 
Chuyển đổi qua lại giữa 3 phương thức lấy nét: tự động lấy nét một lần (Single autofocus), tự động lấy nét liên tục (Continuous autofocus) và lấy nét bằng tay (Manual focus) tùy theo từng thể loại ảnh chụp (xem lại bài viết Vận dụng tốc độ chụp - phần I).
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Nút tùy chỉnh Focusing.
 
Thông thường, Single autofocus được sử dụng với chủ thể tĩnh (chân dung, phong cảnh, tĩnh vật). Continuous autofocus được sử dụng để đeo bám (object tracking) chủ thể động (thể thao, trẻ em, tốc độ cao) và Manual focus được sử dụng trong trường hợp chủ thể có ít sự tương phản (ví dụ: bức tường đồng màu) hoặc khoảng cách lấy nét cực gần (close-up).
 
7. Thiết lập kích thước và chất lượng ảnh chụp
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Nút thiết lập kích thước và chất lượng ảnh chụp (khoanh màu đỏ).
 
Thông thường máy ảnh số lưu ảnh dưới 2 định dạng: ảnh số dạng thô (file .RAW, .TIFF) và ảnh số dạng nén (file .JPG hay .JPEG). Nếu bạn không phải là người quan tâm nhiều tới vấn đề xử lý hậu kỳ với các phần mềm chuyên dụng như Photoshop thì không cần sử dụng tới định dạng ảnh thô vì chúng có dung lượng rất lớn, tầm vài chục – thậm chí đến cả trăm Mb.
 
Với mỗi ảnh chụp, có thể lựa chọn kích thước lớn (chính là độ phân giải tối đa mà mỗi mẫu máy ảnh thường quảng cáo, ví dụ 18 “chấm” – 18 Megapixel), vừa hoặc nhỏ.
 
Tương tự như vậy, chất lượng ảnh có thể chọn Tốt (Fine, Best), Bình thường (Normal, Standard) hoặc Thấp (Low), chúng sẽ ảnh hưởng tới dung lượng của ảnh.
 
Trên đây là các thông số quan trọng mà bạn đọc cần thiết lập – bất kể với một chiếc máy ảnh ống kính rời cao cấp hay du lịch bình dân, để tối ưu hóa khả năng làm việc của chúng. Trong bài viết tuần sau, GenK sẽ hướng dẫn các bạn cách bố cục một tấm hình sao cho thật "chuyên nghiệp và ấn tượng". Sẽ là một bài viết thú vị và bổ ích khác nữa, mời bạn đọc đón xem!

Các chế độ chụp thường gặp trên máy ảnh

Trong các bài viết trước, chúng tôi đã nhiều lần đề cập đến các chế độ chụp trên máy ảnh như chế độ chụp Ưu tiên độ mở ống kính / Ưu tiên tốc độ chụp, chế độ chụp Chân dung, Thể thao, Pháo hoa, v..v.. để các bạn có thể áp dụng chúng trực tiếp vào từng thể loại ảnh được GenK nói tới. Tuy nhiên, có tất cả bao nhiêu chế độ chụp thường gặp, bản chất của từng chế độ này ra sao thì trong bài viết tuần này, GenK sẽ giới thiệu tới bạn đọc một cách đơn giản và súc tích nhất. Xin lưu ý rằng các kiến thức trong phần Thực hành nhiếp ảnh (bắt đầu từ bài viết số trước) này đều có thể sử dụng cho cả máy ảnh du lịch (compact) lẫn máy ảnh chuyên nghiệp ống kính rời, và bài viết tuần này cũng không phải ngoại lệ.
 
PHÂN LOẠI VÀ BỐ TRÍ CÁC CHẾ ĐỘ CHỤP THƯỜNG GẶP TRÊN MÁY ẢNH
 
Về cơ bản, ta chia các chế độ chụp thường gặp trên máy ảnh ra thành 3 nhóm: Chế độ chụp tự động hoàn toàn, Các chế độ chụp theo khung cảnh định sẵn và Các chế độ chụp nâng cao.
 
Các chế độ chụp trên máy ảnh ống kính rời (và một số mẫu máy ảnh compact cao cấp) thường được đặt trên một đĩa xoay nằm trên đỉnh hoặc phía sau thân máy với rất nhiều lựa chọn để người dùng có thể thiết lập và thay đổi thật nhanh chóng. Trong khi đó, máy ảnh compact đa phần lại sử dụng một nút gạt với 3 chế độ tối giản: chụp tự động (Auto / iAuto / smart Auto), chụp tự động với các tùy chỉnh thiết lập bằng tay (Programme) và Quay phim.
 
Đĩa xoay với rất nhiều các chế độ chụp trên máy ảnh compact cao cấp.
 
Nút gạt với 3 chế độ tối giản trên đỉnh máy: Auto (chữ A xanh có dấu +),
Programme (hình máy ảnh màu đen) và quay phim (hình máy quay).
 
Tuy nhiên, chế độ được đặt tên Programme (thường ký hiệu bằng hình chiếc máy ảnh màu đen) này về bản chất lại là một menu ẩn mà khi bạn lựa chọn nó, trên màn hình LCD của máy ảnh sẽ hiện ra rất nhiều các chế độ chụp tự động (cũng như nâng cao) khác để bạn có thê lựa chọn, và như vậy nó hoàn toàn khác với chế độ chụp Lập trình bằng tay (Programme) mà bài viết sẽ nói tới ở bên dưới.
 
CHẾ ĐỘ CHỤP TỰ ĐỘNG HOÀN TOÀN (AUTO / iAUTO / smart Auto)
 
Chế độ chụp tự động hoàn toàn thường được ký hiệu bằng một hình chữ nhật viền xanh, hoặc hình chiếc máy ảnh màu xanh, hoặc hình trái tim đỏ. Đôi khi chúng có thêm dấu + với ý nghĩa “intelligent”, “smart” hoặc “advanced” nhưng về bản chất giữa chúng không có sự khác biệt nhiều lắm.
 
Chế độ chụp Auto với ký hiệu hình chữ nhật màu xanh.
 
Ở chế độ chụp này, máy thực thi toàn bộ các khâu liên quan tới kỹ thuật như thiết lập tốc độ chụp, độ mở ống kính, ISO, đánh flash hay không đánh flash,… nhiệm vụ của người chụp chỉ là lấy nét, bố cục ảnh và nhấn chụp. Kiểu chụp này hữu ích với những người không có nhu cầu tìm hiểu sâu về nhiếp ảnh, mới sử dụng máy ảnh hoặc cần chụp một tấm hình thật nhanh trước khi khoảnh khắc trôi đi mất.
 
CÁC CHẾ ĐỘ CHỤP TỰ ĐỘNG THEO KHUNG CẢNH ĐỊNH SẴN (SCENE MODE)
 
Hầu hết mọi loại máy ảnh đều có các chế độ chụp theo khung cảnh định sẵn. Các chế độ này có thể nằm trực quan trên đĩa xoay, hoặc nằm ẩn bên trong một chế độ chụp tối giản được ký hiệu bằng hình chiếc máy ảnh màu đen như đã nói tới ở trên, hoặc bởi chữ SCN hay SCENE, tùy theo cách bố trí của từng máy.
 
Chế độ chụp SCENE hay SCN, với nhiều chế độ chụp tự động theo khung cảnh định sẵn nằm ẩn bên trong.
 
Sau khi xoay đĩa xoay về ký hiệu chụp này, máy sẽ đưa ra một danh sách các chế độ chụp tự động theo khung cảnh định sẵn để người chụp lựa chọn.
 
Các chế độ chụp tự động theo khung cảnh định sẵn nằm ẩn trong Scene mode:
Chân dung (Portrait), Phong cảnh (Landscape), Thể thao (Sports), Chụp đêm (Night),
Chụp trong nhà / trong buổi tiệc (Party / Indoor).
 
Sau đây là một số chế độ chụp tự động theo khung cảnh định sẵn bạn có thể thường gặp:
 
Marco : Chụp cận cảnh, thích hợp khi chụp hoa, côn trùng, máy có thể sẽ cố gắng tính toán để mở khẩu độ lớn.
 
Flower: Một số máy có thể có chế độ tự động riêng cho chụp hoa.
 
Landscape : Chỉnh về chế độ này khi muốn chụp phong cảnh, máy thường làm tốt nhiệm vụ nếu trời quang đãng, ánh sáng đủ.
 
Sport : Chụp ảnh thể thao, giảm mờ nhòe khi đối tượng chụp di chuyển, máy thường tìm cách nâng tốc độ chụp lên, chụp nhanh để bắt đứng hình lại.
 
Night : Chụp cảnh đêm, máy có thể tính toán đẩy ISO lên cao, mở rộng khẩu độ hay giãn thời gian đóng màn trập (chụp tốc độ chậm)...
 
Night portrait: Chụp người ban đêm, máy có thể đẩy flash on và cố gắng nhận dạng và loại bỏ hiện tượng mắt đỏ.
 
Night landscape: Chụp phong cảnh ban đêm.
 
Fireworks: Chụp pháo hoa.
 
Beach: Cảnh biển, thường được máy hiểu là ánh sáng nhiều, chói nắng.
 
Snow: Trời nhiều tuyết, sáng trắng.
 
Và còn rất nhiều chế độ chụp được lập sẵn khác như tự chụp mình, chụp văn bản, chụp trong nhà bảo tàng, chụp ngược sáng, trẻ em, tiệc tùng, chân dung,... khi sử dụng chế độ SCN này, máy thường cố gắng xác định vật thể cần lấy nét, đặt vật ấy vào vùng rõ nét, loại bỏ mắt đỏ và cố gắng tính toán để điều tiết ánh sáng sao cho phù hợp (tăng giảm ISO, bật hay tắt Flash…) dựa trên kho dữ liệu ảnh mẫu được tích hợp bên trong máy.
 
CÁC CHẾ ĐỘ CHỤP NÂNG CAO
 
Các chế độ chụp nâng cao là một phần không thể thiếu trên các mẫu máy ảnh ống kính rời, cũng như các mẫu máy ảnh compact cao cấp. Chúng bao gồm 4 chế độ mà hẳn các bạn đã quen tên sau khi đọc các bài viết trước trong chủ đề nhiếp ảnh của GenK: Chụp Lập trình bằng tay (Programme), Ưu tiên độ mở ống kính (Aperture Priority), Ưu tiên tốc độ chụp (Shutter speed Priority) và Chỉnh tay hoàn toàn (Manual).
 
Chế độ chụp Lập trình bằng tay (Programme)
 
Chế độ Programme thường được ký hiệu bằng chữ P.
 
Chế độ chụp Lập trình bằng tay, ký hiệu chữ P trên hầu hết mọi máy ảnh.
 
Ở chế độ chụp Programme, người chụp tự thiết lập một số thông số kỹ thuật như ISO, cách đo sáng (metering mode), giá trị phơi sáng (exposure value – EV), dùng hoặc không dùng flash, dựa vào đó máy ảnh sẽ tự thiết lập cặp thông số tốc độ - độ mở ống kính phù hợp. Đây là chế độ được mọi nhiếp ảnh gia khuyên dùng cho người mới bắt đầu chuyển sang máy ảnh ống kính rời.
 
Chế độ chụp Ưu tiên độ mở ống kính (Aperture Priority)
 
Chế độ chụp Apecture Priority thường được ký hiệu bằng chữ A, hoặc Av.
 
Chế độ chụp Ưu tiên độ mở ký hiệu bằng chữ Av, hoặc A.
 
Ở chế độ chụp này, ngoại trừ việc kiếm soát các thiết lập ISO, Metering mode, EV,… như trên, người dùng còn được phép kiểm soát độ mở ống kính thông qua phím xoay điều khiển trên máy. Máy sẽ dựa trên các thiết lập của người dùng để đưa ra tốc độ chụp thích hợp.
 
Chế độ chụp Ưu tiên khẩu độ thích hợp nhất đối với các thể loại ảnh chụp mà người dùng cần kiểm soát DOF, hay nói nôm na là khống chế hậu cảnh như ảnh chân dung hoặc tĩnh vật.
 
Chế độ chụp Ưu tiên tốc độ (Shutter speed Priority)
 
Chế độ chụp Ưu tiên tốc độ (Shutter speed Priority) thường được ký hiệu bằng chữ S, hoặc Tv.
 
Chế độ chụp Ưu tiên tốc độ, thường ký hiệu bởi chữ S hoặc Tv.
 
Chế độ này ngược với chế độ Av: máy ảnh sẽ tự chọn lựa độ mở ống kính thích hợp tùy theo thiết lập tốc độ (và các thông số khác) của người dùng.
 
Chế độ này sẽ hữu ích khi người dùng cần kiểm soát tốc độ chụp, trong các thể loại ảnh mà chủ thể có sự chuyển động như ảnh Thể thao, Đời thường, Sự kiện hoặc chụp trẻ em,…Việc chọn lựa tốc độ chụp nhanh hay chậm sẽ tùy thuộc vào chủ định muốn “đóng băng” hành động của chủ thể, hay tạo ra cảm giác chủ thể đang di chuyển.
 
Chế độ chụp chỉnh tay hoàn toàn (Manual)
 
Chế độ chụp Chỉnh tay hoàn toàn (Manual) thường được ký hiệu bằng chữ M.
 
Chế độ chụp Chỉnh tay hoàn toàn, thường ký hiệu bởi chữ M.
 
Đúng như tên gọi, người dùng hoàn toàn tự thiết lập các thông số theo chủ đích của mình.
 
Chế độ chụp M thường được những người đã có kiến thức về nhiếp ảnh sử dụng, bởi nó điều khiển tăng / giảm sáng linh hoạt hơn. Kiểu chụp này đặc biệt hữu ích khi chụp với đèn flash, chụp ngược sáng hoặc trong ảnh có những vùng sáng / tối chênh lệch nhau lớn.
 
Nếu có bất cứ câu hỏi gì, độc giả hãy bình luận ở phía dưới. Tiểu Phong sẽ đọc và giải đáp mọi thắc mắc cho bạn.

Nhiếp ảnh cơ bản: Các bước chụp một tấm hình


Bạn đọc thân mến, vậy là cho tới lúc này, chúng tôi đã giới thiệu tới bạn đọc một cách tường tận các yếu tố ảnh hưởng tới độ phơi sáng của một tấm hình cũng như hướng dẫn bạn đọc cách vận dụng chúng vào ảnh chụp thực tế. Có thể nói ISO, tốc độ chụp và độ mở ống kính là ba cây chìa khóa vàng mở ra cánh cửa đến với nhiếp ảnh thực thụ, và chỉ cần nắm được thật rõ bản chất, cách tương tác qua lại của mỗi yếu tố đó cũng như thực hành thuần thục cách kiểm soát chúng là bạn đọc đã có thể chụp được những tấm hình như mong đợi rồi.
 
Bắt đầu từ bài viết này, GenK sẽ hướng dẫn các bạn cách sử dụng chiếc máy ảnh một cách chi tiết, từ tư thế cầm máy, cách thiết lập máy trước khi chụp cho tới bố cục hình ảnh, sử dụng các thiết bị bổ trợ, v..v.. Đặc biệt chúng tôi sẽ cố gắng làm sao để không chỉ những bạn có điều kiện sở hữu một chiếc máy ảnh ống kính rời đắt tiền mà ngay cả người sử dụng máy ảnh du lịch cũng có thể áp dụng chúng vào thực tế để nâng cao hiệu quả sử dụng. Hy vọng bạn đọc sẽ tiếp tục ủng hộ chuyên mục Nhiếp ảnh kỹ thuật số của GenK.
 
1. Tư thế cầm máy ảnh
 
Dù là máy ảnh ống kính rời hay du lịch, điều quan trọng nhất khi cầm máy là phải đảm bảo máy không bị rung trong suốt quá trình chụp. Hãy sử dụng cả hai tay, và tìm kiếm các điểm tựa bổ sung (dựa người vào tường, chống tay lên đùi,…) để đảm bảo cầm máy thật chắc!
 
Tư thế cầm máy ảnh ống kính rời
 
Tư thế cầm máy ảnh ống kính rời đúng (bên trái) và sai (bên phải).
 
Ở máy ảnh ống kính rời, tư thế cầm máy chắc chắn là khi bạn sử dụng tay trái làm “bệ đỡ” bên dưới ống kính (hoặc phần đuôi ống kính và phần đáy thân máy nếu tay bạn đủ lớn), tay phải bám dọc theo phần gờ ra của thân máy với ngón cái đặt ở phía sau, vừa làm nhiệm vụ giữ chắc, vừa điều chỉnh – thiết lập các thông số thông qua hệ thống phím bấm. Ngón trỏ tay phải đặt hờ trên phím chụp, thực hiện thao tác lấy nét, xoay vòng chỉnh khẩu độ / tốc độ và bấm chụp. Hai khuỷu tay ép sát để tựa vào hai bên hông. Phần kính ngắm (viewfinder) phía trên đỉnh máy tì vào trán, tạo thành ba điểm tựa vững chắc.
 
Khi xoay máy theo chiều dọc, lúc này ta đã mất đi một điểm tựa là phần hông bên phải, nên tay trái phải đảm bảo tạo thành bệ đỡ thật chắc chắn, tránh cầm máy kiểu “làm dáng”, tránh nói cười trong quá trình chụp.
 
Tư thế cầm máy ảnh du lịch
 
 
 
Với máy ảnh du lịch, luôn nhớ lồng dây đeo máy vào cổ tay, tránh làm rơi máy hoặc bị cướp giật. Tay trái tạo thành bệ đỡ phía đáy, với ngón cái bám dọc theo cạnh bên trái để giữ máy chắc chắn. Tay phải cầm giống máy ảnh ống kính rời.
 
2. Các bước chụp một tấm ảnh
 
- Bước 1: bật máy.
 
Đa số các máy ảnh có nút Bật/Tắt (On/Off) riêng biệt. Tuy nhiên một số máy khác lại thiết kế nút Bật/Tắt dưới dạng cổ áo, là một công tắc gạt nằm bao quanh chính phím bấm chụp. Với máy ảnh du lịch, khi bật máy cần lưu ý tránh đặt tay lên ống kính, bởi khi khởi động máy sẽ tự động đẩy ống kính ra, bàn tay đặt trước ống kính vô tình trở thành vật cản trở, có thể làm hỏng motor bên trong ống kính.
 
Nút bật tắt máy (On/Off).
 
-  Bước 2: chọn chế độ chụp phù hợp.
 
Tùy theo mục đích và điều kiện thực tế mà chọn một trong các chế độ chụp trên máy. Các chế độ chụp này sẽ được GenK giới thiệu một cách cụ thể trong bài viết tuần sau.
 
Các chế độ chụp trên máy thường được bố trí trên một vòng tròn xoay.
 
-  Bước 3: lấy nét, bố cục hình và chụp.
 
Các máy ảnh ống kính rời và một số máy ảnh du lịch cao cấp có 3 chế độ lấy nét: lấy nét tự động một lần (single autofocus), lấy nét tự động liên tục (continuous autofocus) và chế độ lấy nét bằng tay / thủ công (manual focus).  Trong khi máy ảnh du lịch giá rẻ thường chỉ có 1 chế độ lấy nét duy nhất là single autofocus.
 
Vùng lấy nét cũng có thể tùy chọn theo ý muốn. Có thể để máy tự chọn vùng lấy nét, hoặc lấy nét theo điểm định sẵn. Nhưng để đạt hiệu quả cao nhất và nhanh nhất, hãy chọn lấy nét tại điểm cố định ở trung tâm kính ngắm (màn hình ngắm chụp).
 
Ở bước này, bạn đọc tinh ý sẽ thấy thứ tự thao tác không phải là “bố cục, lấy nét, chụp hình” như cách chúng ta thường làm, mà ngược lại – phải là “lấy nét, bố cục, chụp hình”. Sở dĩ làm như vậy là bởi vì: Khi bấm phím chụp xuống một nửa là ta đã thực hiện thao tác lấy nét, nếu tiếp tục giữ phím bấm chụp ở một nửa lún xuống này thì máy sẽ chuyển sang chế độ “khóa nét” vào đối tượng mà ta vừa lấy nét. Lúc này, vẫn giữ nửa phím chụp, ta bố cục lại khung hình theo ý muốn thì chủ thể được lấy nét vẫn sẽ rõ nét. Trong khi đó, nếu bố cục khung hình trước rồi mới lấy nét, thì rất có thể máy sẽ tự động chọn một chủ thể khác để lấy nét, kết quả là hình chụp ra cái cần thì mờ mờ ảo ảo, cái không cần thì lại nét căng!
 
Bước lấy nét 1: Lấy nét vào chủ thể, không cần quan tâm tới bố cục vội.
 
Bước lấy nét 2: Khóa nét (bằng cách giữ nửa phím chụp không buông tay), bố cục lại
khung hình theo ý muốn rồi hoàn tất việc chụp hoặc nhả tay ra để thực hiện lại bước 1.
 
Thông thường, với ảnh chụp mà trong đó chủ thể đứng yên, hãy chọn chế độ lấy nét tự động một lần.
 
Đưa điểm lấy nét tại trung tâm hướng về phía chủ thể. Bấm nhá phím chụp (half-press) xuống một nửa cho tới khi máy báo đã lấy nét: điểm trung tâm được viền bằng một khung màu xanh lá, máy kêu bíp bíp.
 
Nhấn nốt một nửa phím để thực hiện chụp ảnh.
 
Với ảnh chụp mà trong đó chủ thể chuyển động liên tục, cách thực hiện tương tự như trên, nhưng chuyển sang cách lấy nét tự động liên tục. Lúc này máy sẽ liên tục bám nét theo chủ thể trong khung hình, tuy nhiên máy không kêu bíp bíp khi đã canh được nét nữa.
 
Chế độ lấy nét bằng tay/thủ công sử dụng trong những trường hợp ảnh chụp có độ tương phản thấp, hoặc ánh sáng quá yếu khiến pha lấy nét tự động của máy hoạt động không hiệu quả.
 
- Bước 4: xem lại ảnh, xóa ảnh.
 
Thông thường sau khi chụp xong, máy sẽ hiện lại hình vừa chụp trong một khoảng thời gian ngắn vài giây (có thể tùy chỉnh trong Menu / Review time). Nếu muốn xem lại lâu hơn, có thể nhấn phím Play (hình mũi tên hướng sang phải) và dùng phím đa chiều để chuyển đổi qua lại giữa các ảnh đã chụp.
 
Nút xem lại (hình mũi tên hướng sang phải) và xóa hình (hình thùng rác).
 
Nhấn nút có in hình thùng rác để xóa ảnh.

Nhiếp ảnh cơ bản: Vận dụng tốc độ chụp (phần I)

Nếu đã từng học qua Vật lý phổ thông, chắc hẳn bạn đọc còn nhớ rằng khái niệm về chuyển động và vận tốc đều chỉ mang tính tương đối. Một vật chuyển động hay đứng im, có vận tốc bao nhiêu còn phụ thuộc vào vật dùng để làm mốc. Ví dụ người ngồi trên ô tô đang chạy với vận tốc 60 km/h sẽ có vận tốc 60 km/h với chiếc cột đèn bên vệ đường, nhưng lại có vận tốc bằng 0 so với chính chiếc xe ô tô đó.
 
Vận dụng tính tương đối đó vào trong nhiếp ảnh, bạn đọc có thể sử dụng tốc độ chụp như một thứ công cụ vô cùng lợi hại để miêu tả lại mọi sự chuyển động của vật thể theo ý mình. Biến một dòng thác đang tung bọt trắng xóa thành những làn khói mỏng manh, hay khiến chúng vỡ vụn ra thành hàng trăm nghìn giọt nước nhỏ… đều trở thành những việc hết sức đơn giản. Và cụ thể hơn, ở bài viết này GenK sẽ hướng dẫn các bạn cách vận dụng tốc độ chụp vào hai mục đích chụp chuyển động chính:
 
1. “Đóng băng” một chuyển động
 
“Đóng băng” một chuyển động, tức là khi ghi lại dưới dạng ảnh chụp, vật thể đó dù đang di chuyển với tốc độ nhanh đến bao nhiêu đi chăng nữa cũng trở thành bất động. Để làm được điều đó, tốc độ chụp phải nhanh bằng, hoặc tốt hơn hết là nhanh hơn vận tốc của vật thể cần chụp.
 
Trào lưu chụp ảnh bay rầm rộ một thời, về bản chất chính là “đóng băng” một chuyển động trên không.
 
Ở bài viết về các thông số cơ bản trong nhíp ảnh, ta đã biết rằng tốc độ chụp là thời gian tính từ lúc màn trập mở ra cho tới khi nó đóng lại. Giá trị tốc độ chụp trên máy ảnh có thể lớn hoặc nhỏ hơn 1 giây:
 
- Các giá trị nhỏ hơn 1 giây, ví dụ 1/4s, 1/20s, 1/250s,… được ký hiệu dưới dạng thập phân như trên, hoặc chỉ ghi mẫu số.
 
 
Cách hiển thị giá trị nhỏ hơn 1s (bên phải là thông số về độ mở ống kính) trên màn hình máy ảnh.
 
- Các giá trị lớn hơn 1 giây, ví dụ 2s, 10s, 30s,… được ký hiệu dưới dạng 2”, 10”, 30”…
 
Cách hiển thị giá trị lớn hơn 1s trên màn hình máy ảnh.
 
Muốn đóng băng một chuyển động, trước tiên cần phải ước lượng được tốc độ của chuyển động đó. Tiếp theo là xác định phương của chuyển động. Ví dụ một người đang đi xe máy chạy ngang qua theo phương vuông góc với hướng máy ảnh sẽ có tốc độ (xin lưu ý rằng khái niệm “tốc độ” ở đây – như đã nói ở trên – chỉ mang tính tương đối) chuyển động nhanh hơn so với một chiếc ô tô đang chạy theo hướng trực diện về phía máy ảnh. Từ đó, ta xác định một tốc độ chụp sao phù hợp. “Giá trị phù hợp” ở đây có thể phải thử đi thử lại nhiều lần cho tới khi bạn tự rút ra được kinh nghiệm cho bản thân trong từng tình huống chụp cụ thể, chứ không có một “con số vàng” nào sẵn trước.
 
Để điều chỉnh được tốc độ chụp trên máy ảnh ống kính rời, ta có thể sử dụng chế độ chụp Ưu tiên tốc độ (Shutter-speed Priority). Chế độ này thường được ký hiệu bởi chữ S, hoặc T, hoặc Tv.
 
Chế độ chụp Ưu tiên khẩu độ được ký hiệu bằng chữ Tv trên máy. Chế độ chụp Thể thao có hình người đang chạy.
 
Sử dụng các phím chức năng tùy theo từng máy (bạn đọc nên đọc hướng dẫn sử dụng đi kèm với chiếc máy của mình bởi mỗi mẫu máy lại có một thiết kế khác nhau) để điều chỉnh tốc độ.
 
Lấy nét vào chủ thể đang chuyển động và nhấn chụp. (*)
 
Với các máy du lịch không có chế độ tùy chỉnh tốc độ thủ công, các bạn có thể sử dụng chế độ chụp Thể thao (Sport) hoặc chụp Trẻ em / Thú cưng (Baby / Kid / Pet) để thay thế. Cũng giống như các chế độ chụp Chân dung, Phong cảnh đã nói tới ở bài trước, các chế độ chụp này về bản chất được máy thiết lập sẵn một tốc độ chụp tương đối cao, kèm theo các phương thức tính toán về canh nét bám theo chủ thể (object tracking) (**) và sử dụng đèn flash (***) để bắt đứng hình.
 
(*)(**) Để đạt được kết quả cao nhất trong thể loại ảnh chụp chuyển động, ngoài tốc độ chụp, bạn cần phải kiểm soát được một tính năng nữa gọi là Tùy chọn lấy nét (Auto-focus settings). Thông thường chúng được chia làm 2-3 loại:
 
- Single auto-focus (AF-S): Tự động lấy nét một lần. Bạn hướng máy về chủ thể, nhấn nút chụp xuống một nửa để máy lấy nét, và nhấn tiếp đến kịch nút để chụp. Trong khoảng thời gian từ sau khi nhấn nửa nút chụp đến nhấn hết, máy không lấy nét thêm lần nào nữa dù chủ thể có rời khỏi vị trí ban đầu.
 
- Continuous auto-focus (AF-C): Tự động lấy nét liên tục. Điểm khác biệt so với AF-S là trong khoảng thời gian từ lúc nhấn nửa nút chụp cho tới khi nhấn hết, máy liên tục tái thực hiện việc lấy nét. Đây là loại bạn sẽ thường sử dụng khi chụp ảnh chuyển động.
 
- Automatic auto-focus (AF-A): Máy tự nhận biết dạng chủ thể là tĩnh hay động để chọn hoặc AF-S hoặc AF-C.
 
Ở các mẫu máy Canon, việc phân loại Tùy chọn lấy nét có thể hơi khác. Cụ thể:
 
-         One-shot AF: tương tự AF-S ở trên
-         AI Servo: tương tự AF-C
-         AI Focus: tương tự AF-A
 
Chọn AI Servo (hoặc AF-C) trong AF mode để chụp chuyển động đạt hiệu quả tốt hơn.
 
(***) Trong nhiều trường hợp, khi tốc độ chụp đã được đẩy lên rất nhanh rồi mà độ mở ống kính và độ nhạy sáng không thể mở rộng hoặc tăng lên để đáp ứng theo được thì ảnh sẽ bị thiếu sáng (tối). Lúc này, bạn buộc phải sử dụng flash như một nguồn sáng bổ sung để đảm bảo bắt đứng được chủ thể đang chuyển động.
 
Một tính năng khác sẽ hỗ trợ bạn “đóng băng” một chuyển động thành công, đó là sử dụng chế độ chụp liên tiếp (Continuous Shot). Trên máy ảnh du lịch, tính năng này thường được bố trí ngay trên phím cứng có hình chiếc đồng hồ. Khi bấm vào đây, máy sẽ hiện ra menu tùy chọn bao gồm các chế độ: Single shot (chụp đơn), Continuous shot (chụp liên tiếp) và Self-timer shot (chụp hẹn giờ). Bạn hãy chọn Continuous shot. Lúc này, máy sẽ chụp liên tiếp nhiều tấm hình cho đến khi ngón tay bạn nhả khỏi nút chụp.
 
Còn trên máy ảnh ống kính rời, chế độ này thường được đặt trong phím cứng có ghi chữ Drive.
 
Bấm vào đây và bạn sẽ có các tùy chọn Single shot, Continuous shot (một số máy còn chia thành Low Continuous shot và High Continuous shot, trong đó High Continuous shot cho tốc độ chụp liên tiếp nhanh hơn nhưng độ phân giải ảnh sẽ bị giảm), Self-timer shot, Remote-control shot (chụp với điều khiển từ xa, là một phụ kiện phải mua thêm).
 
Drive mode trên máy. Từ trái qua phải: Chụp đơn, Chụp liên tiếp tốc độ cao,
Chụp liên tiếp, Chụp hẹn giờ, Chụp hẹn giờ tùy chỉnh thời gian.
 
Các bạn cũng cần chú ý rằng mỗi máy có khả năng chụp liên tiếp số tấm hình khác nhau, ví dụ Canon 1D-X mới ra mắt có thể chụp liên tiếp tới 10 tấm hình/giây, trong khi Nikon D3000 thuộc dòng máy bình dân chỉ chụp được tối đa 3 hình/giây. Và sau khi chụp xong, máy sẽ mất một khoảng thời gian khá lâu để lưu tất cả hình vừa chụp vào thẻ nhớ. Một thẻ nhớ với tốc độ đọc/ghi nhanh sẽ hữu ích trong trường hợp này.
 
2. Miêu tả một chuyển động
 
Trái ngược với “đóng băng” một chuyển động, miêu tả một chuyển động là phương pháp tạo ra các hiệu ứng mờ nhòe chủ thể một cách cố ý. Mục đích của nó, đúng như tên gọi, là để người xem có thể cảm nhận được về không gian, phương hướng, tính chất của chuyển động. Ví dụ như trong một cuộc đua mô tô phân khối lớn, việc làm nhòe với từng vệt ánh sáng lớn kéo theo đuôi xe sẽ giúp người xem cảm nhận được tốc độ, hướng chuyển động và sức mạnh của bộ môn thể thao này. Trong khi đó với bộ môn múa nghệ thuật, một vài chuyển động mờ nhòe nơi cánh tay, vạt áo của diễn viên giúp người xem hình dung được sự uyển chuyển, sống động của vở múa. Tương tự như vậy, miêu tả ngọn gió – vốn là thứ vô hình – đang thổi trên cánh đồng cỏ lau, chỉ có thể bằng cách tạo ra những mờ nhòe rất nhẹ để người xem biết được rằng có gió khiến những ngọn lau này lung lay.
 
Miêu tả sự hiện diện và tính chất của gió bằng cách làm chậm chuyển động của các ngọn cỏ lau.
 
Cách chụp thể loại ảnh này cũng giống như trên, chỉ có điều thay vì thiết lập tốc độ nhanh hơn, ta sẽ chọn một tốc độ chụp chậm hơn tốc độ chuyển động của chủ thể sao cho đạt được kết quả vừa ý nhất.
 
Trong bài viết tuần sau, GenK sẽ giới thiệu với các bạn một số loại hình nhiếp ảnh chuyển động đặc sắc trên thế giới và cách thực hiện chúng. Còn bây giờ, mời các bạn hãy thử đoán xem những tấm hình sau được chụp như thế nào?
 
 
 
 
Nguồn ảnh: Internet.