Một bức ảnh được tạo ra bởi việc cho phơi sáng (expose) bản phim hay cảm biến ra ngoài ánh sáng (có hình ảnh muốn chụp) – vậy mới gọi là phơi sáng. Mỗi lần phơi sáng có một giá trị ánh sáng duy nhất, được gọi là giá trị phơi sáng – nghe như chuyện trẻ con học bài vậy , trong tiếng Anh gọi là EV (exposure value). EV là giá trị phơi sáng của một bức ảnh – hay của một lần bấm máy. Mỗi bức ảnh chỉ có một giá trị phơi sáng duy nhất, được tạo ra bởi 3 yếu tố: Khẩu độ mở, Tốc độ cửa chập và Độ nhạy ISO.
1. KHẨU ĐỘ MỞ:
Là độ mở to nhỏ của lỗ điều tiết ánh sáng nằm trong ống kính.
Lỗ mở càng to thì ánh sáng lọt vào càng nhiều, và ngược lại, lỗ mở càng nhỏ thì ánh sáng lọt vào càng ít. Khả năng có thể mở to đến đâu của cái lỗ này phụ thuộc vào từng ống kính nhất định. Ống kính càng mở được to thì… đầu tiên là càng đắt tiền, và càng tạo cho nhiếp ảnh gia khả năng hoạt động linh hoạt hơn trong sáng tạo.Để tính độ mở của lỗ điều tiết ánh sáng này (gọi là aperture trong tiếng Anh, và viết tắt là A), người ta dùng đơn vị gọi là f/stop – hay trong tiếng Việt gọi là “khẩu” cho nó ngắn gọn. Do đây là một đơn vị tính bằng hệ số, nên giá trị f/stop càng nhỏ (ví dụ f/1) thì lỗ mở càng lớn, còn giá trị f càng lớn, thì lỗ khép lại càng nhỏ (ví dụ f/22). Việc mở to lỗ ánh sáng ra – để nhiều ánh sáng lọt vào bản phim hay cảm biến quang – thường được gọi là “mở khẩu”, và thu nhỏ lỗ ánh sáng – để lượng ánh sáng đi qua lỗ vào phim/cảm biến giảm đi – được gọi là “khép khẩu”, hay “đóng khẩu”. Mở khẩu là giảm giá trị f/stop, khép/đóng khẩu là tăng giá trị f (Quả là lẩn thà, lẩn thẩn!). Giá trị f/stop của một ống kính ngày nay có thể nhỏ bằng 1 (f/1) hay thậm chí bằng 0.95 (f/0.95), tức là cái lỗ ấy cực cực lớn, nhưng chỉ đối với các loại ống kính sản xuất đặc biệt. Với các ống kính thông thường, kể cả chuyên nghiệp, khẩu mở tối đa thường chỉ ở f/2.8, đôi khi lớn tới f/2, f/1.8 hoặc f/1.4. Khẩu khép tối đa của một ống kính thường là f/22 hoặc f/32, đôi khi là f/64.
Các khẩu độ mở truyền thống của ống kính gồm (từ mở khẩu lớn tới nhỏ dần): f/1.4 – f/2 – f/2.8 – f/4 – f/5.6 – f/8 – f/11 – f/16 – f/22 – f32. Khoảng cách giữa khẩu nọ tới khẩu kế tiếp kia có giá trị bằng 1 stop, tức bằng 1 khẩu. Điều này có nghĩa là nếu đang ở f/1.4 khép/đóng khẩu vào f/2 là giảm đi 1 khẩu (với lượng ánh sáng giảm đi một nửa so với khẩu trước đó là f/1.4), từ f/2 khép vào f/2.8 lại giảm đi một khẩu nữa (lượng ánh sáng lại giảm đi 1 nửa so với f/2), f/2.8 khép xuống f/4, lại giảm đi một khẩu nữa (nửa lượng sáng của khẩu f/2.8 trước đó). Mỗi lần giảm như vậy gọi là giảm 1 khẩu. Từ f/1.4 khép xuống f/4 tức là giảm đi 3 khẩu. Cũng như vậy, nếu từ f/16 mở khẩu ra thành f/4 là tăng lên 4 khẩu. Giá trị giữa các mốc truyền thống từ f/1.4 đến f/32 như nêu trên đều hơn kém nhau 1 khẩu. “Khẩu” là đơn vị thống nhất để điều chỉnh và cả bàn luận về khẩu độ mở của ống kính và của một bức ảnh. Sau này, nhất là từ thời đại ảnh kỹ thuật số, máy ảnh kết hợp với các ống kính hiện đại hơn cho phép điều chỉnh tăng giảm với giá trị nửa hoặc một phần ba khẩu, ví dụ từ f/1.4 => f/1.6 => f/1.8 => f/2, giúp cho việc điều chỉnh khẩu độ mở có độ chính xác cao hơn (Từ f/1.4 đến f/2 là một khẩu, và f/1.4 đến f/1.6 là 1/3 khẩu).
Công năng của ống kính: Mỗi ống kính có giới hạn nhất định về khả năng mở khẩu và khép khẩu tối đa. Các ống kính cao cấp và đắt tiền cho phép mở khẩu rất lớn, giúp lượng ánh sáng vào ảnh lớn hơn, vì thế có thể chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng tốt hơn. Trên ống kính, giá trị khẩu độ mở thường được biểu diễn bằng các con số như 1:1.4 hay 1:3.5 (tức khả năng mở khẩu tối đa là f/1.4 hay f/3.5). Với các ống zoom (có khả năng thay đổi chiều dài tiêu cự giúp chụp xa gần hiệu quả) cũng có loại có khả năng mở khẩu tối đa và không đổi suốt dọc chiều dài tiêu cự, ví dụ ống Nikon 70-200mm f/2.8 có khả năng mở khẩu rộng f/2.8 cả ở tiêu cự 70mm cũng như ở tiêu cự dài hơn gấp gần 3 lần là 200mm. Các ống như vậy thường có giá thành và giá bán cao hơn rất nhiều so với các ống kính có khẩu độ mở tối đa thay đổi theo chiều dài tiêu cự, như ống Nikon 18-135mm f/3.5-5.6 chỉ có thể mở rộng khẩu ở f/3.5 ở tiêu cự 18mm, còn khi kéo tiêu cự (kéo zoom) ra 135mm, ống chỉ cho phép mở khẩu tối đa ở f/5.6, tương đối hẹp và kém giá trị khi chụp với tiêu cự 135mm trong điều kiện thiếu sáng, và vì vậy, các loại ống có khẩu mở tối đa thay đổi theo chiều dài tiêu cự này có giá thành rẻ hơn (hay được định giá là rẻ hơn!).
Các tác dụng và hiệu ứng liên quan tới khẩu độ mở:
- Dĩ nhiên, khẩu độ mở có tác dụng điều tiết ánh sáng nhiều hay ít cho một bức ảnh. Mở khẩu càng lớn (chỉ số f/ càng nhỏ) thì càng nhiều ánh sáng, khép khẩu các nhỏ (chỉ số f/ càng lớn) thì càng ít ánh sáng vào ảnh. Tuy nhiên, kèm theo việc điều tiết ánh sáng, đóng mở khẩu độ ống kính còn có các hiệu ứng khác về quang học dưới đây.
- Khẩu độ mở càng lớn thì chiều sâu ảnh trường (depth of filed hay DOF) càng mỏng (***), và khép khẩu càng nhỏ thì chiều sâu ảnh trường càng dày, ảnh càng nét ở mọi khu vực trên bức ảnh.
- Mở khẩu lớn, do chiều sâu ảnh trường mỏng, sẽ làm các khu vực ngoài khu vực căn nét chính bị nhòa mờ (cả các chủ thể phụ trước và sau chủ thể chính), cũng như các chủ thể phụ nằm ngang hàng với chủ thể chính nhưng ở rìa của khuôn hình.
- Khẩu mở lớn, rìa của ảnh có thể có các hiệu ứng tối dần, nhất là độ tối có thể dễ quan sát được ở các góc và mép ảnh gọi là hiện tượng tối góc/ mép ảnh (vignetting).
- Nhiếp ảnh gia đóng mở khẩu độ mở của ống kính, ngoài tác dụng tăng giảm lượng ánh sáng cho ảnh, còn có tác dụng tạo hoặc triệt tiêu các hiệu ứng nét dày/mỏng, tối góc ảnh hay sáng đều trên ảnh, cũng như tạo các vòng tròn sáng mịn và mờ ở hậu ảnh của bức ảnh – gọi là bokeh (đọc là bô-kê) và thường được vận dụng làm các công cụ giúp nhiếp ảnh gia đạt được mong muốn về độ nét, ánh sáng giữa các vùng trên ảnh, tạo giá trị nghệ thuật cho bức ảnh, ví dụ như chụp chân dung, để thu hút chú ý của người xem ảnh vào chủ thể chính được chụp (người, vật), nhiếp ảnh gia thường mong muốn mở khẩu tối đa để làm nhòa mờ các vùng ngoài, trước/ sau chủ thế.
2. TỐC ĐỘ CỬA CHẬP:
Là tốc độ đóng mở của tấm chắn sáng giữa lỗ điều tiết ánh sáng trong ống kính và bản phim hay cảm biến ảnh số.
Nếu bạn đọc những điều nêu trên về khẩu độ mở của ống kính đã thấy tương đối phức tạp, thì công nghệ máy ảnh còn phức tạp hơn nhiều do khẩu độ mở không phải là yếu tố duy nhất điều chỉnh ánh sáng cho ảnh. Ngoài việc điều tiết ánh sáng bằng khẩu độ mở, máy ảnh SLR/DSLR còn có một tấm chắn giữa ống kính và bản phim/ cảm biến ảnh số để ngăn ánh sáng. Tấm chắn này được gọi là cửa chập (hay shutter trong tiếng Anh) có tác dụng mở ra rồi đóng vào như cũ để khống chế thời gian phơi sáng của phim hay cảm biến số. Tốc độ mở rồi đóng lại của tấm chắn này thường vô cùng nhanh và được tính bằng một phần của giây (có thể là phần chục, phần trăm hay phần nghìn của giây). Cũng do mở rồi lại đóng ngay lại nên tấm này được gọi là cửa chập. Ở vị trí không chụp bình thường, của này luôn đóng để ngăn ánh sáng không xuyên tới phim hay cảm biến số.Khi nhiếp ảnh gia bấm chụp một kiểu ảnh, tấm chắn sáng này – tức cửa chập – mở ra (rất nhanh) rồi lại đóng ngay lại (cũng rất nhanh), vì vậy chỉ cho phép phim hay cảm biến số tiếp xúc với ánh sáng trong một khoảnh khắc cực ngắn. Thời gian ngắn ngủi này được gọi là thời gian phơi sáng (tiếp xúc với ánh sáng) của một bức ảnh.
Các giá trị tốc độ cửa chập thường thấy (được tính bằng giây và phần của giây – tiếng Anh giây là second và viết tắt là s): 1s, 1/2s, 1/4s, 1/8s, 1/15s, 1/30s, 1/60s, 1/125s, 1/250s, 1/500s, 1/1000s, v.v… Ở đây có thể dễ dàng nhận thấy các mốc tính được cách nhau một khoảng (xấp xỉ) gấp đôi, hoặc chia đôi.
Điều thú vị và cả đáng kinh ngạc là các nhà chế tạo máy ảnh đã tính toán sao cho giá trị phơi sáng (EV) giữa các giá trị tăng giảm cửa chập theo cách nhân đôi hoặc chi đôi thời gian ĐÚNG BẰNG giá trị tăng giảm giữa các khẩu độ mở của ống kính, tức là chênh nhau 1 khẩu độ (xét về giá trị ánh sáng). Và vì vậy, khi tính giá trị ánh sáng được điều tiết (hay khống chế) bởi tốc độ cửa chập, người ta cũng tính bằng đơn vị khẩu (stop). Nếu tốc độ cửa chập tăng lên gấp đôi (tức một khẩu) thì lượng ánh sáng tiếp xúc với bản phim/ cảm biến số giảm đi một nửa (tức giảm 1 khẩu), và nếu tốc độ của chập giảm đi một nửa (tức một khẩu), giá trị ánh sáng sẽ tăng lên gấp đôi (tức tăng 1 khẩu).
Ngoài tác dụng điều tiết lượng ánh sáng để tạo phơi sáng phù hợp cho bức ảnh, tốc độ cửa chập còn là công cụ để tạo ra các hiệu ứng về mặt thời gian cho bức ảnh. Nếu muốn “bắt chết” một khoảnh khắc của một chủ thể đang chuyển động, một giá trị tốc độ của chập cao sẽ giúp nhiếp ảnh gia làm được điều này vì trong khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi của chập mở ra rồi đóng ngay lại với tốc độ hết sức cao/nhanh (ví dụ 1/1250s), sự di chuyển của chủ thể sẽ là không đáng kể và hình ảnh sẽ được “dừng lại” trong khuôn hình của nhiếp ảnh gia. Ngược lại, khi muốn ghi nhận các chuyển động với tính chất thời gian (ví dụ như tia sáng của pháo hoa từ lúc đạn pháo hoa ra khỏi nòng súng tới lúc bay lên cao và nổ bung với những ánh sáng đủ màu), nhiếp ảnh gia có thể điều chỉnh cho tốc độ của chập (mở/đóng) chậm hơn nhiều (ví dụ 1/2s, 1s, hay 3s) để toàn bộ “vết” pháo hoa được ghi lại trong khuôn hình.
Tốc độ cửa chập tạo ra các ảnh hưởng lớn trên ảnh đối với các chủ thể chuyển động, cũng như việc cầm máy không chắc, để run tay khi chụp. Ảnh chụp run tay với thời gian của chập mở ra lâu (tốc độ cửa chập mở/đóng chậm) sẽ làm hình ảnh bị nhòa vào nhau (mong muốn hay không mong muốn). Hiểu và sử dụng có chủ đích tốc độ cửa chập cũng sẽ giúp nhiếp ảnh gia chủ động tạo ra các hiệu ứng nghệ thuật trên bức ảnh.
3. ĐỘ NHẠY BẮT SÁNG ISO:
Là độ nhạy bắt ánh sáng của bản phim hay cảm biến ảnh số.
Công nghệ máy ảnh không chỉ dừng lại ở 2 yếu tố cơ bản đầu tiên là khẩu độ mở và cửa chập, mà còn càng trở nên phức tạp với khái niệm độ nhạy của bản phim (ngày nay được thay thế bằng cảm biến ảnh số trên máy ảnh DSLR).Để hình ảnh được ghi lại trên phim, bản phim cần có khá năng bắt ánh sáng và chuyển hóa tất cả thành các giá trị nhất định (về hóa học) để khi đem tráng phim và rửa ảnh sẽ tạo ra độ sáng tối (đen/trắng) và màu sắc (phim màu) của hình ảnh. Tương tự như vậy, cảm biến ảnh số ngày nay cũng có khả năng ghi nhận ánh sáng và màu sắc , chỉ khác là sẽ chuyển thành các giá trị số hóa để ghi lại hình ảnh.
Độ nhạy bắt sáng của bản phim hay cảm biến ảnh số có khả năng giúp nhiếp ảnh gia điều tiết phơi sáng của một bức ảnh. Độ nhạy này được tính bằng giá trị ISO (trước đây là ASA hoặc DIN đều cùng như nhau). ISO càng cao thì độ nhạy (khả năng bắt sáng nhanh) càng cao, giúp cho việc tăng tốc độ cửa chập lên cao (tức giảm thời gian phơi sáng) với giá trị lớn hơn, giúp cho việc chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu hiệu quả hơn.
Các giá trị ISO thường được sử dụng là: ISO 100, ISO 200, ISO 400, ISO 800, ISO 1600, ISO 3200, ISO 6400, …
Ở đây lặp lại điều thú vị như trên: Giá trị ISO đã được tính toán sao cho tương đương với việc tăng lượng ánh sáng lên gấp đôi hoặc giảm lượng ánh sáng xuống còn một nửa của các giá trị kế tiếp. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng giảm ISO cũng có thể được tính theo đơn vị khẩu. ISO 200 so với ISO 100 chênh nhau 1 khẩu, ISO 800 sẽ sáng hơn ISO 200 là 2 khẩu, v.v…
Một điều lưu ý duy nhất khi điều chỉnh ánh sáng cho ảnh dựa vào ISO là: Do công nghệ chế tạo, ISO càng lớn có ưu điểm bắt sáng càng nhạy nhưng lại gây ra càng nhiều nhiễu (noise) cho hình ảnh ghi nhận, cả ở phim và cảm biến ảnh số (ở phim là do để bắt sáng nhạy hơn thì các hạt hóa chất phải to hơn, ở cảm biến ảnh số do tốc độ bắt sáng lớn hơn thì càng bị “rơi vãi” nhiều “hạt ánh sáng hơn” – đó là VinaCamera.com xin tạm diễn đạt nôm na như vậy, xin các bạn đừng bắt bẻ về khoa học . Chính vì điều này, trong các trường hợp chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng, sau khi đã tăng hết khả năng mở khẩu và giảm tốc độ tới ngưỡng cho phép, nhiếp ảnh gia mới phải nhờ cậy tới khả năng tăng ISO – với việc hiểu rằng ISO cao ảnh có khả năng càng bị nhiễu cao, làm giảm chất lượng ảnh, nhất là khi muốn phóng to hình ảnh sau này. ISO là yếu tố cuối cùng nhiếp ảnh gia phải vận dụng để tăng độ sáng của ảnh. Ghi chú: Với công nghệ hiện nay, các nhà chế tạo ngày càng cho ra đời nhiều cảm biến ảnh số (photo sensor) có độ nhiễu thấp ở ISO cao. Để biết được “khả năng chịu đựng” nhiễu của một máy ảnh cụ thể, các bạn cần thử nghiệm ở các ISO khác nhau và chịu khó đọc các đánh giá của giới chuyên nghiệp, từ đó sử dụng phù hợp và tự tin với yếu tố độ nhạy ISO trên máy ảnh của mình.
4. TƯƠNG TÁC GIỮA KHẨU ĐỘ MỞ – TỐC ĐỘ CỬA CHẬP – ISO
Tăng tăng, giảm giảm – tăng giảm, giảm tăng. Câu chuyện về 3 yếu tố cơ bản dường như chỉ là câu chuyện dài xoay quanh việc tăng và giảm các yếu tố này để tạo ra một bức ảnh có ánh sáng đẹp và chất lượng cao. Còn việc tăng giảm thế nào, cái nào và khi nào nên cao, khi nào nên thấp phụ thuộc chủ yếu vào kinh nghiệm, con mắt nhà nghề và tay máy, cũng như các thủ pháp nghệ thuật với sự sáng tạo không giới hạn của nhiếp ảnh gia.Tuy vậy, VinaCamera.com cũng xin chỉ ra một vài mối quan hệ và hiệu ứng cơ bản trong cái guồng tăng giảm này như sau.
- Một bức ảnh, dù đẹp hay xấu, chỉ có một giá trị phơi sáng DUY NHẤT, hy vọng là giá trị tối ưu nhất với ý đồ thể hiện hình ảnh của người chụp. Để tạo ra một giá trị phơi sáng nhất định (mà bạn cho là phù hợp), bạn sẽ phải tăng giảm 3 yếu tố cơ bản phù hợp trong từng tình huống và mong muốn cụ thể. Nếu mong muốn giá trị phơi sáng là không đổi, tăng yếu tố này sẽ phải giảm yếu tố kia để ảnh không quá sáng và không quá tối.
- Điều may mắn là các yếu tố trên đều được tính toán với một đơn vị thống nhất là “khẩu”: Tăng một khẩu của yếu tố này sẽ phải giảm một khẩu của yếu tố kia để giá trị phơi sáng là không đổi – tức giữ nguyên độ sáng của bức ảnh.
Nguồn tin: Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
anh.htt@gmail.com