Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Phối hợp màu sắc trong nhiếp ảnh: Màu sắc của cuộc sống (P2)

Hai qui luật cơ bản về bố cục

Trước khi bàn sâu về sự phối hợp màu sắc, tôi xin mạn bàn một chút về vài qui luật cơ bản, đây chỉ là những kiến thức cá nhân còn rơi rớt lại nên nếu ai có thể bổ sung sửa chữa thêm cho chính xác thì xin rất cám ơn
Trong sáng tác nghệ thuật hầu như không bao giờ ta nhìn một sự vật đứng cô độc mà luôn luôn có sự quan hệ với các sự vật khác trong một khung cảnh nhất định. Để tạo nên một sự hài hòa thì việc kết hợp các vật đó không phải mang tính ngẫu nhiên, hỗn loạn mà theo một qui luật trật tự. Ngay cả nhiếp ảnh dường như chỉ là một sự thâu nhận trung thực lại sự vật chung quanh ta và thường mang tính ngẫu nhiên thế nhưng sự thành công của một bức ảnh lại do sự chọn lựa, tính toán, phối hợp các sự vật với nhau theo một qui luật thẩm mỹ mà ta hay gọi là bố cục. Nghệ thuật bố cục không chỉ tồn tại trong các bộ môn nghệ thuật thị giác tĩnh mang tính 2D (hội hoạ, nhiếp ảnh, trang trí 2D...), 3D (Điêu khắc, kiến trúc) mà còn trong các bộ môn khác như âm nhạc (bố cục các cung, nốt nhạc), điện ảnh...
Cho đến nay, ngoài những biến tướng nhỏ thì ta thường qui về hai đặc tính cơ bản, đó là tính "ĐỒNG BIẾN" và "DỊ BIẾN". Hai tính này là tâm điểm khi sáng tác nghệ thuật và nếu tôi không lầm thì do Johannes Itten ở trường nghệ thuật Bauhaus Đức tìm ra.

- TÍNH ĐỒNG BIẾN: Trong bố cục, người ta thường chọn gắn kết các sự vật có mang một đặc tính hay một qui luật chung nào đó, đó chính là tính đồng biến, khi đó sự tiến triển của các tính chất khác nhau vẫn bảo đảm một sự gắn kết lại nhờ đặc điểm chung nhất đó. Tính đồng biến bảo đảm sự tiến triển của các vật trong bố cục không bị hỗn loạn, dẫn dắt người xem dễ dàng "kết nối" được các vật riêng lẻ theo một trật tự. Tính "VẦN ĐIỆU" là cực điểm của tính đồng biến (lặp đi lặp lại chính xác một qui luật) . Trong nhiếp ảnh thì tính đồng biến của ánh sáng thể hiện rõ ở hiệu quả "low key", "hight key", trong bố cục đường nét và hình khối thì tính vần điệu thể hiện trong "mô típ" (sự lặp lại của một chi tiết), hoặc đơn giản ta hay chụp hình trắng đen hay sépia để qui về một tính chất chung... Còn trong màu sắc thì việc sử dụng các màu kế cận nhau trong vòng tròn màu sắc, bảo đảm "ton sur ton" giữa các màu chính là tính đồng biến.

- TÍNH DỊ BIẾN: Trái ngược với tính đồng biến, tính dị biến là các tính chất khác biệt của các vật trong bố cục. Chúng thường được sử dụng để phá vỡ tính đơn điệu gây ra của tính đồng biến. Hẳn phần đông chúng ta khi chọn đóng khung một cảnh thường hay để ý tìm các đường chéo thực hay ảo, các đường cong S với mục đính phá vỡ sự tĩnh lặng vuông vức của khuôn hình, đó là đi tìm tính dị biến. Khi tính dị biến đi tới cực điểm thì ta có được tính chất quan trọng nhất trong bố cục là sự "TƯƠNG PHẢN". Tính tương phản đi theo cặp và rất đa dạng như Đặc-Rỗng, Nóng -Lạnh, Sáng-Tối, Thô-Tinh, Nặng-Nhẹ, Phương ngang-Phương đứng, Trắng-đen...Sở dĩ tính tương phản đóng vai trò quan trọng bởi vì ngoài khả năng phá vỡ sự đơn điệu, nó còn có những vai trò khác như: Cho ra sự so sánh 2 tính chất trái ngược nhau từ đó làm tăng thêm giá trị lẫn nhau của 2 tính chất đó (một vật sáng để bên vật tối thì ta mới thấy giá trị của tính sáng, hay tối của vật do có sự so sánh), mang tính bù trừ vì khi ta cộng chung hai tính chất đó lại sẽ đưa về giá trị cân bằng (ví dụ màu đỏ cộng với màu xanh lá cây sẽ cho ra màu xám trung tính cân bằng).
Trong màu sắc thì ta quan tâm đến các tính tương phản sau đây:

Tương phản về sắc màu (teinte): Chính là 2 màu đối nghịch nhau qua tâm của đường tròn màu sắc, ví dụ các cặp Đỏ-Xanh lá cây, Vàng -Xanh dương, Cam-Tím.
Tương phản về độ sáng: mặc dù các màu có sự thay đổi về cường độ sáng nhưng các màu bão hòa có độ sáng khác nhau, ví vụ độ tối của màu tím tương phản với sắc sáng của màu vàng
Tương phản về độ bão hòa: các màu bão hòa tương phản với các màu bị "désaturer", nhất là xám, đen trắng, ta sẽ thấy sức hút của một tâm điểm màu tươi trên nền màu trung tính hơn
Tương phản về không gian: sự tương phản về diện tính mà chúng chiếm trên khuôn hình, sự tương phản về không gian rất thú vị khi một màu chói chiếm một diện tích rất nhỏ trong bố cục, nó sẽ trở thành tâm điểm lôi cuốn người xem ngay tức khắc
Tương phản về cảm giác: Do mỗi màu cho liên tưởng đến một cảm xúc khác nhau nên chúng cũng có thể cho sự tương phản về cảm xúc.
- Ảo giác quang học và màu sắc

Có những hiện tượng phụ thuộc vào cách xử lí nhận dạng màu của phần vỏ não chuyên về thị giác, chúng liên quan đến lý thuyết về sự hài hòa hay sự lạc điệu về màu sắc. Hai hiện tượng tương phản "đồng thời" (simultané) và tương phản "liên tiếp" (successif) được khám phá bởi nhà hoác học Pháp Chevreul vào những năm 1820 là 2 hiện tượng quan trọng nhất.

- Hiện tượng tương phản "liên tiếp"cho mắt "thấy" màu tương phản với một màu rực rỡ mà ta vừa quan sát, Bạn hãy nhìn vòng tròn đỏ dưới đây trong khoảng 1 phút, nhớ tập trung vô chữ thập ngay tâm sau đó quay qua nhìn vô chữ thập trong cái ô trống kế bên, bạn sẽ "thấy" một vòng tròn ảo màu Xanh dương-Xanh lá. Ta nhắm mắt thật mạnh sau khi quan sát thật lâu vòng tròn đỏ cũng cho kết quả tương tự. Hiện tượng này luôn cho thấy một màu đối lập trong vòng tròn màu sắc với màu vừa quan sát .




- Hiện tượng tương phản "đồng thời" cho thấy khi một màu được đặt kế cận màu khác, nó sẽ có một ánh màu tương phản với màu kế cận đó. Bạn hãy nhìn các ô màu xám trung tâm dưới đây, chúng hoàn toàn giống nhau theo cặp, nhưng tùy theo màu sắc kế cận mà nó nhẹ nhàng có một ánh màu tương phản với màu bao quanh đó.




-Hiệu quả Bezold: Ảo giác này cũng liên quan đến hiện tượng tương phản "đồng thời" nhưng ngược lại. Ta hãy quan sát 2 bức tường gạch dưới đây, màu gạch hoàn toàn giống nhau nhưng màu vữa sáng hơn dường như làm sáng lên màu đỏ của gạch và ngược lại.




-Hiệu quả rung động: Là một trong những hiệu quả điện ảnh phổ biến trong những năm 1960. Các điểm, đường và "mô típ" nếu được đặt theo một qui luật nào đó sẽ tạo những hiệu quả về chuyển động và màu sắc mà ta rất khó nhìn lâu được. Sự chuyển động xảy ra ngay ranh giới của 2 màu rất tươi khác nhau có cùng cường độ về độ sáng. Nếu nhìn vòng tròn 2 màu dưới đây ta thấy hiệu quả đó rất mạnh, khi nhìn thật lâu ta có cảm giác nó vừa sáng lại vừa tối rất khó chịu.




-Đường viền biến mất: Một hiệu quả trái ngược với hiện tượng trên, một cường độ sáng tương tự sử dụng cho 2 màu dưới đây làm chúng hòa với nhau, rất khó phân biệt ranh giới, đó là lí do các màu mây đi từ trắng đến xám đậm thỉnh thoảng chìm vô bầu trời xanh




-Màu bị ngắt quãng: Hiện tượng này có cùng điểm chung với tương phản "đồng thời", Khi một màu bị ngắt ra bởi các màu tươi khác nhau sẽ cho ta cảm giác không đồng nhất một màu duy nhất. Mắt sẽ cảm giác 2 ô xanh nhạt dưới đây không đồng nhất như khi ta rút 2 băng màu tươi đi.




- Một thí nghiệm: Sự lựa chọn phông màu khác nhau làm cho mắt có khuynh hướng bù trừ khiến ta thay đổi cảm nhận khác nhau về chủ thể. Phông màu tối làm cho con tôm hùm dưới đây sáng lên, ngược lại tông màu sáng làm cho nó tối lại. Phông màu xanh lá làm con tôm đỏ thêm, còn phông đỏ thì làm cho nó bớt đỏ đi. Đây cũng chính là khả năng làm tăng các giá trị màu sắc của sự tương phản mà ta đã bàn
- Hài hòa màu sắc:

Có những cách kết hợp các màu tạo ra một cảm giác dễ chịu và những cách kết hợp đó có mối quan hệ với vị trí của các màu trong vòng tròn màu sắc. Các họa sĩ, chuyên gia màu sắc thường tiếp cận vấn đề một cách bản năng nhưng người ta thống nhất một lý thuyết chung. Nhà lịch sử học về nghệ thuật John Gage phân biệt 4 loại lí thuyết về sự hài hòa: Hài hòa màu sắc có vần điệu tương tự như âm nhạc (như tôi không lầm thì lí thuyết này 2 họa sĩ Kanzinski và Paul Klee tìm ra), Hài hòa bổ sung (các màu đối nghịch trong vòng tròn màu sắc- tương phản về teinte), Sự tương tự về ánh sáng/ giá trị màu (sự đồng biến mà ta đã bàn) và tâm lý thực nghiệm.
Nói cho cùng, hài hòa màu sắc cho ra những bức ảnh đẹp, ưa nhìn, nhưng sự lạc điệu cũng có vai trò của nó. Thông thường thì những lí thuyết đó vận hành tốt, nhưng sẽ nguy hiểm nếu ta cứ cứng nhắc cho rằng tất cả ảnh chụp bắt buộc phải hài hòa, vì thực tế có bức ảnh lạc điệu nhưng vẫn thành công.
Sự vận hành của hài hòa màu sắc liên quan đến hiện tượng tương phản "liên tiếp" đã bàn, mắt người có khuynh hướng thiết lập lại sự cân bằng bằng cách sinh ra màu đối nghịch, đó là nguyên tắc chủ yếu của hầu như tất cả lí thuyết về màu sắc, não và mắt chỉ tìm thấy sự cân bằng trong sự "trung tính", màu xám không nhất thiết phải có mặt, chỉ cần kết hợp lại những màu mà kết quả pha trộn cho ra màu xám, dường như mắt và não tự pha trộn lại những màu mà chúng nhận được. Chính vì vậy mà vòng tròn màu sắc đóng vai trò quan trọng, sự pha trộn những màu đối nghịch trên vòng tròn luôn cho ra màu xám trung tính, các cặp màu đó được gọi là những màu "bổ sung". Tất cả những sự phối hợp đối xứng qua tâm bất kể 2 màu, 3 màu hay 4 màu đều cho ra sự hài hòa giống như hình minh họa dưới đây




Vấn đề hài hòa không chỉ giới hạn ở đó, độ sáng cũng tham gia vô "phương trình", mỗi màu có một độ sáng của nó và sự hài hòa "hoàn hảo" đòi hỏi có sự pha trộn theo một tỉ lệ nhất định.Theo thứ tự giảm dần, giá trị độ sáng các màu được JW von Goethe tìm thấy như sau: Màu vàng 9, Cam 8, Đỏ và Xanh lá cây 6, Xanh dương 4, Tím 3. Khi chúng được pha trộn thì các giía trị đó đảo ngược cho số lượng, vậy không gian cần thiết của các màu là: Tím 9, Xanh dương 8, Đỏ và Xanh lá cây 6, Cam 4, Vàng 3. Hình dưới đây là tỉ lệ tối ưu của 3 cặp màu bổ sung và 2 tập hợp 3 màu.



Ánh sáng và tỉ lệ: ngay cả khi bỏ qua một bên các màu bổ sung, một sự kết hợp giữa tối và sáng có khuynh hướng hài hòa hơn khi sự chọn đóng khung phản ánh cơ cấu đó. Tuy nhiên giống như luôn luôn, sự hài hòa không bắt buộc mà chỉ là một thành phần tham gia tùy theo trường hợp


Các nguyên tắc trên về hài hòa màu sắc không phải "thần dược", ta có thể sử dụng thành công, nhưng nếu ta sử dụng chúng thật chính xác, thì nó trở thành máy móc, có thể đoán trước được. Những gì ta đạt được ở hài hòa, thì ta bị mất đi cá tính và sự sáng tạo, chúng chỉ cho ta cách tạo một bức ảnh bình yên, ưa nhìn, nhưng đó không phải luôn luôn là cái mà ta muốn thể hiện. Việc áp dụng tốt màu sắc cũng bao gồm cả "lạc điệu" và "xung đột".

Sự "tương tự" là một cách tiếp cận khác của hài hòa màu sắc, vấn đề chủ yếu là lựa chọn các màu kế cận nhau trên vòng tròn, chúng có thể là các sắc màu kế cận, hoặc là các biến điệu về độ bão hòa, cường độ sáng của một vài sắc màu gần nhau, phương pháp này được sử dụng từ lâu trong nghệ thuật.




Sự "hòa trộn mờ": Làm mềm mại ranh giới và hòa lẫn hình ảnh màu sắc, khiến cho bức ảnh thu hút hơn. Phương pháp này được sử dụng từ những năm 60. Sự "làm mờ" trộn lẫn các màu, cho một hiệu quả tự nhiên của hòa hợp màu sắc bất kể sắc màu của chúng
Xin bổ sung thêm một phần viết của tác giả John Hedgecoe trong phần màu sắc của cuốn "le nouveau manuel de photographie" về sự đơn sắc
- Sự đơn sắc (camaïeu): Sắc thái của một màu duy nhất
Khác với họa sĩ, người nhiếp ảnh không điều khiển trực tiếp màu và chủ thể, nhưng trong tất cả các sáng tác, họ có thể chọn những gì hiện hình trên khung ảnh. Để tránh sự chõi nhau về màu sắc, "gu" xấu hoặc sự lưỡng lự về hài hòa màu sắc, ta nên chọn những cảnh chụp mà các màu sắc nằm cùng một "họ gia đình". Hãy nghĩ tới các mẫu màu của các nhà sản xuất sơn, ở đó các màu sắc được chia theo từng khu của bảng màu. Sự đơn sắc không những bảo đảm một sự hài hòa chắc chắn, có "gu", mà còn cho một ấn tượng thanh thản, bình tâm rất thích hợp một vài chủ đề. Trên vòng tròn màu sắc, sự đơn sắc tương ứng với chọn lựa một đoạn màu. Tuy đơn sắc nhưng chúng cho những sắc thái vô tận do thay đổi theo độ sáng tối và bão hòa.





Màu lá cây khô và thân cây cho sự bài trí tự nhiên của bức chân dung này, hài hòa với màu tóc và quần áo của người mẫu




Trên bức ảnh cổ điển về mái ngói la mã này, màu ngói hầu như y hệt nhau, nhưng sự khác nhau về cũ mới cộng với góc độ chiếu sáng khác nhau tạo nên các sắc thái biến đổi.

Lời khuyên chuyên gia:
- Đừng quên là màu trắng và màu đen trung tính nên chúng có thể kết hợp hài hòa với bất cứ sắc màu nào.
- Sương mù và bụi biến phong cảnh thành "camaïeu" do giảm bớt sự "gay gắt" của màu sắc.
- Với ảnh chân dung, hãy chọn quần áo trang phục, sự trang điểm, phông nền hòa hợp với màu tóc và mắt
- Đỏ và Xanh lá cây

Sự kết hợp này giữa màu rực rỡ nhất (đỏ) và màu phổ biến nhất trong thiên nhiên (Xanh lá) có rất thường xuyên và mạnh, nhưng sẽ hài hòa hơn khi màu xanh lá hơi ngả xang xanh dương. Màu đỏ và màu xanh lá tươi có cùng cường độ sáng nên chúng sẽ kết hợp hài hòa với nhau với cùng tỉ lệ, nhưng phải trong trường hợp cả 2 màu cùng tinh khiết và chính xác -điều đó rất hiếm khi xảy ra, hơn nữa ta cũng khó đo được diện tính chính xác của chúng. Mặc dù màu đỏ và xanh lá có những biến thể rộng ra giống như ta thấy trong vòng tròn màu sắc, màu bổ sung cho màu đỏ hơi ngả qua màu cyan hơn là xanh lá cây. Trong thiên nhiên, sự kết hợp này giới hạn trong hệ thực vật. Trong các bức ảnh của tạp chí National Geographic ta thường thấy một nhân vật mặc áo đỏ trong khung cảnh thiên nhiên, đó là cách để thu hút sự chú ý và phần đông các nhiếp ảnh gia luôn tìm đưa vào màu đỏ nếu cảnh chụp bị màu xanh lá cây thống lĩnh.

Màu đỏ và màu xanh lá cây bão hòa sẽ tạo nên sự "rung động" khi đặt gần nhau (xem phần trước). Mặc dù hiệu quả đó làm khó chịu nếu nhìn lâu nhưng lại rất năng động và lôi cuốn, nó làm tăng thêm năng lượng cho bức ảnh. Việc này có thể xảy ra với 2 màu tươi khác có cùng độ sáng, nhưng ta luôn luôn đạt hiệu quả cao nhất với màu đỏ và xanh lá.

Khi ta thay đổi về tỉ lệ diện tích, sự hài hòa có thể bị giảm, nhưng khi tỉ lệ đó quá khác biệt, màu chiếm diện tích nhỏ sẽ có thêm một năng lượng bổ sung. Ảnh dưới đây chụp một trang trại từ máy bay, màu mái đỏ không bị nuốt chửng bởi cánh đồng xanh mênh mông, trái lại nó nổi bật lên. Đây không còn là sự kết hợp màu sắc nữa mà là một điểm nhấn màu. Hiệu quả mạnh hơn khi màu đỏ trên nền xanh hơn là màu xanh trên nền đỏ bởi vì các màu nóng có khuynh hướng tiến lại gần, màu lạnh lùi ra xa tạo nên một hiệu quả 3D cho bức ảnh 2D.




Vách kính màu xanh lá cây này của một nhà hàng Thái, được thiết kế bởi một kiến trúc sư Nhật ờ Tokyo, là một sự kết hợp tinh tế giữa 2 màu.




Chùm trái mọng (baie) đỏ rực này dường như mãnh liệt hơn khi được bao bọc bởi màu xanh của khu rừng Nouveau Brunswick
Màu cam và xanh dương:

Trong ba cặp màu cổ điển thì cặp màu Vàng-Xanh dương dễ tìm thấy trong nhiếp ảnh nhất. Màu cam có cường độ sáng gấp đôi màu xanh dương nên để cân bằng thì diện tích màu xanh dương trong ảnh phải chiếm gấp đôi màu cam. Độ "rung động" cũng giảm đi nhiều nên rất chúng rất ưa nhìn và dễ chịu khi nhìn lâu. Nhà họa sĩ phái "chủ nghĩa biểu hiện" (expressionniste) August Macke cho rằng cặp màu Cam-Xanh dương tạo nên "một sự hòa hợp mang tính lễ hội".
Màu cam và Xanh dương rất gần với 2 cực trong thang nhiệt độ màu nên ta có thể tìm thấy chúng trong các điều kiện ánh sáng thông thường. Mặt trời xuống thấp, ánh sáng nến, bóng đèn dây tóc... là các nguồn của màu cam. Bầu trời không mây là nguồn vô tận của màu xanh dương. Khi mặt trời lặn ta hay thấy hiệu quả bổ sung màu cam ráng nắng trên nền xanh dương trong bóng râm (dường như Léonard de Vinci là người đầu tiên nhận thức được hiện tượng này). Ngoài độ tương phản về sắc màu, cặp màu này còn cho thêm độ tương phản về cường độ sáng và một độ tương phản lớn nhất về nhiệt độ trong 3 cặp màu, vì thế chúng gây ấn tượng mạnh sự tiến gần của màu cam và lùi ra xa của màu xanh.




Bức tượng phật mặc áo xanh dương này được chụp xuyên qua ngọn lửa nến màu cam đã cho ra một sự kết hợp hài hòa màu sắc.




Trong một nhà hàng ở Mumbai-Ấn độ, Các bông "souci" được đặt nổi lên trên một chậu xanh dương. Ở đây vị trí của máy chụp và sự đóng khung ảnh được chọn sao cho màu cam chiếm diện tích ít hơn màu xanh dương



Một ngôi nhà cổ với sân trong, một Havelî trong khu làng Râjasthâni, mới được sơn lại bằng cặp màu cam và xanh "pastel". Các sắc màu cá nhân này tuy khác 2 bức ảnh trên, nhưng sự kết hợp của chúng vẫn cho hiệu quả tương tự.


- Tỉ lệ đảo ngược: Đôi khi rất thú vị khi ta đảo ngược tỉ lệ diện tích của 2 màu trong bức ảnh, trong photoshop ta chỉ cần copie thêm một layer và thay đổi các teint 180° nhờ lệnh Teint/saturation, sau đó xóa đi các vùng không liên quan (mật các bé gái trong ảnh). Khi ta thay đổi cho màu cam chiếm diện tích thống lĩnh, ta thấy hiệu quả trên không bị hỏng. Sự kết hợp giữa 2 màu đã đủ cho sự hài hòa vì mắt có khuynh hướng bị thu hút bởi các điểm màu nhỏ và khi tập trung vô các điểm màu này thì ta có cảm giác cân bằng cục bộ, màu xanh dường như mạnh hơn là thực tế với diện tích nhỏ như vậy
- Màu vàng và tím:

Cặp màu thứ 3 này cho độ tương phản lớn nhất về độ sáng giữa 2 màu, kết quả rất rực rỡ nhưng đây là một sự kết hợp hiếm gặp. Do sự tương phản lớn, nên để đạt được cân bằng thì tỉ lệ diện tích phải đạt được 1:3, màu vàng rất sáng nên chỉ chiếm 1/3 diện tích. Sự hiếm gặp của màu tím trong thiên nhiên làm cho cặp màu này không phổ biến, hơn nữa để đạt được tỉ lệ tối ưu thì màu tím phải chiếm một diện tích quan trọng. Các bông hoa là một nguồn tự nhiên của sự kết hợp 2 màu này, ảnh close-up bông hoa "Violette" dưới đây là một ví dụ kinh điển






Một cuộc diễ hành hàng năm ở Palio, Sienna. Vị trí máy chụp được chọn để bao trùm tất cả các yếu tố và cho ra sự phối hợp giữa 2 màu vàng tím trên nền xám của mặt tiền các công trình




Mặt trời mọc dưới cơn dông, sự hòa hợp giữa hai màu vàng tím là nét lôi cuốn chính của bức ảnh các tàu đánh cá này trong vịnh Siam một buổi sáng sớm. Ngay cả khi hai màu đều "tái", sự kết hợp là bền chặt và cho thêm một cảm giác tĩnh lặng, thanh thản
- Sự kết hợp đa màu sắc:

Sự kết hợp giữa 3 màu hoặc hơn nữa trở nên rất phức tạp và các sắc màu phải mạnh để không chìm mất trong tổng thể. Các màu trong ảnh càng nhiều thì chúng càng tạo thành một khối không nhận dạng được. Đến một giới hạn nào đó thì chúng ta cảm nhận như mộc bức tranh ghép mảnh màu (mosaïque) và các màu sắc đó mất đi tính cá biệt của chúng.
Sự pha trộn các màu tươi mạnh nhất là màu Đỏ-Vàng-Xanh dương, nhưng sự kết hợp các màu khác ít cân bằng hơn cũng có thể cho ra hiệu quả rất hài hòa. Như ta nhận thấy trong các bức ảnh dưới đây, có sự khác biệt giữa nhóm màu tươi và màu pastel. Các màu tươi đang lôi cuốn mạnh mẽ sự chú ý của người xem, một màu thứ tư lại thêm vào đó sự thừa thãi. Thay vì làm tăng giá trị của sự phối hợp thì việc quá nhiều màu sắc sẽ làm tiêu tan hiệu quả về tương phản.
Dù gì đi nữa thì nhóm các màu tươi tạo nên cho bức ảnh sức lôi cuốn mạnh mẽ. Trong một loạt série các ảnh chụp, sự phối hợp các màu tươi tạo nên hình ảnh tự nhiên và trực tiếp, chúng tô điểm một loạt các bức ảnh ít rực rỡ hơn. Nhưng nếu chúng ta nhóm lại toàn các bức ảnh tươi thì sẽ mau chóng bị "quá tải".
Ta có thể phát triển thêm nguyên tắc cân bằng các cặp màu bổ sung cho nhóm 3 màu hoặc hơn nữa. Sự pha trộn giữa 3 màu cách đều nhau trên vòng tròn màu sắc cho ra màu trung tính (trắng, đen hoặc xám). Trong một bức ảnh, hiệu quả màu sắc phụ thuộc vào độ bão hòa và tỉ lệ của chúng, sự phân bố đều ra cho một kết quả cân bằng hơn.




Ba đứa trẻ Peru băng qua một công viên nhỏ, màu sắc quần áo của chúng tạo nên một sự hòa hợp bộ 3.




Mặc dù rải rác trên một phông màu trung tính, sự rực rỡ của 3 màu cơ bản cho phép chúng "đâm thủng" và thống trị bức ảnh một chiếc tàu đánh cá ở Bali. Không thể có một bộ màu sắc khác nào có thể cho ra cùng "sức mạnh" và cường độ ngay cả với một lượng rất nhỏ.




Mặc dù các màu trong cảnh sơn mặt tiền nhà này ở Soudan không cân bằng một cách chính xác, sự liên hệ giữa chúng hài hòa bởi vì chúng là màu pastel. Đó là các phiên bản tái hơn của các màu cơ bản.




Một buổi chợ ở Moroni, Comores, với một sự kết hợp phù du 4 màu cơ bản.




Cải thiện bộ ba màu hài hòa: Bằng cách tăng độ bão hòa thích hợp, sự liên hện giữa các màu trở nên minh bạch nhưng cũng đánh đổi sự tế nhị và giá trị khác của bức hình. Mang tính thử nghiệm, sự bão hòa bức ảnh ngôi trường Shaker này vốn đã phong phú và chiếu sáng tốt, được nâng lên trong Photoshop, ngôi trường có màu trung tính nên không bị ảnh hưởng, nhưng các màu khác được biến đổi thành nhóm màu cơ bản và tạo nên sự hài hòa cho bức ảnh
- Một điểm xuyết màu:

Một điểm xuyết màu rực rỡ, tương phản với phông nền, chiếm một vị trí quan trọng trong hài hòa màu sắc và có một tầm vóc đặc biệt trong nhiếp ảnh. Khi có một sự khác biệt lớn trong tỉ lệ màu sắc, có nghĩa là một trong số đó rất nhỏ so với tổng thể, thì động lực của bức ảnh là động lực của cái điểm nhỏ đó. Nó tương tự như một điểm đen trên nền trắng, khi đó tỉ lệ phối hòa giữa các màu không còn ý nghĩa nữa, một trong các màu trở thành điểm xuyết và sẽ thu hút mắt nhìn. Khi một màu trọng tâm "tiến" gần lại trên một nền "lùi" ra xa thì hiện quả trên sẽ tăng lên gấp bội (một điểm màu vàng/đỏ trên nền Xanh dương/Xanh lá cây).

Vì chỉ là những diện tích nhỏ nên ta có thể cho kết hợp điểm màu chính với một vài điểm màu khác. Mối quan hệ giữa chúng sẽ trở nên phức tạp hơn vì có sự tương tác lẫn nhau. Khi phông nền trở nên trung tính và các điểm màu đó chiếm những diện tích nhỏ nhất định thì hiệu quả đạt được sẽ rất ấn tượng. Họa sĩ Delacroix và Ingres sử dụng hiệu quả này để đạt được sự hài hòa trong phần lớn các tác phẩm của họ, bằng cách đưa vào những điểm màu bổ sung. Kiểu tương phản màu sắc này cho thêm trọng lượng cái mà các họa sĩ gọi là "màu cục bộ".




Cỗ xe bạc: Trong một ngôi đền Jaïn ở Ấn độ, cỗ xe này được sử dụng hàng ngày, nó là chủ đề chính nhưng việc "cầu viện" hai điểm màu làm cho bức ảnh sống động hơn.




Ánh sáng ngược của chiếc áo "safran" làm tăng giá trị hình bóng (sihouette) của nhà sư, là nét hấp dẫn chính của cảnh chụp.




Màu đỏ của một mẩu khớp háng nhân tạo này nổi bật trên nền màu kim loại hoàn toàn trung tính
- Sự lạc điệu màu sắc:

Sự lạc điệu là trái ngược với hài hòa, tất cả đều mang tính chủ quan và nó là chủ đề của sự thay đổi. Chói, dung tục tầm thường, lủng củng là một số trong nhiều tính chất của sự lạc điệu. Ta có thể đồng ý là một số kết hợp màu sắc gây nên "chướng" rất gai mắt, nhưng việc khẳng định này còn phải bàn cãi vì cũng như hài hòa, sự lạc điệu dựa trên cảm nhận tùy thuộc vào văn hóa và thị hiếu. Trên định nghĩa, các màu xung khắc nhau không nằm chung một vùng trong vòng tròn màu sắc, chúng có thể đối nghịch nhưng không bổ sung cho nhau.




Ngoài nguyên lí thị giác cơ bản, sự lạc điệu còn phụ thuộc vào giá trị văn hóa và thị hiếu. về mặt văn hóa thì việc chỉ trích trên hơi nặng vì thành kiến cho rằng chúng trái ngược với cảm giác an toàn, dễ chịu. Dù là phối màu trong ăn mặc hay trang trí, đó chỉ là do "gu" tốt hay xấu thôi, giá trị tuyệt đối không tồn tại. Trong quảng cáo sự lạc điệu được sử dụng khá nhiều vì chúng gây nên chú ý. Trong nghệ thuật sự lạc điệu được dùng để khiêu khích sự phản ứng, đánh thức người xem. Van Gogh dùng các màu chõi nhau trong tác phẩm "Café de nuit" để truyền tải ý về mối quan hệ mà người ta có thể bỏ qua lí tính, lẽ phải: "Tôi thử thể hiện sự đam mê cuồng nhiệt của con người bằng các sắc Đỏ và Xanh lá...". Trong toàn bộ bức tranh là sự lạc điệu về màu sắc (màu xanh lá hơi ngả sang vàng tái chứ không phải màu xanh bổ sung cho đỏ).
Trong nhiếp ảnh trước đây, rất ít các nhiếp ảnh gia dùng các màu lạc điệu trong tác phẩm của họ vì đơn giản người được chụp ảnh thường tránh ăn mặc lạc điệu nên chúng không phổ biến. Từ khi kỹ thuật số ra đời cho phép người ta tự do sửa đổi màu sắc trong tác phẩm thì sự lạc điệu trở thành lĩnh vực đang được thăm dò. Nhà nhiếp ảnh Martin Parr là một trong vài người thích sử dụng màu sắc lạc điệu bởi vì chúng gắn với chủ đề ưa thích của ông: sự tầm thường dung tục của dân Anh khi nghỉ hè.
Trái ngược với sự hài hòa, sự lạc điệu có thể gây nên một vài vấn đề vì lí do thành kiến xấu. Nói là màu lạc điệu có nhĩa là chúng không là một lựa chọn tốt, nên tránh, vì vậy chúng ta phải có một lý do chính đáng khi sử dụng, nhất là khi chúng gây khó chịu thị giác cho bức ảnh. Nhưng việc khẳng định thành kiến trên cũng nguy hiểm vì như vậy ta sẽ tuân thủ theo một trật tự định sẵn, bóp chết sáng tạo.




Lễ hội carnaval Kingston ở Jamaïque là một cơ hội tốt để giải phóng năng lượng, không chỉ qua nhạc và điệu múa, mà còn qua màu sắc thị giác. Ý chính là buông thả đi, không cầm nén lại




Trong hội teej hàng năm ở Katmandou, phụ nữ Nê-pan diễu hành ăn mặc trang phục saris truyền thống sặc sỡ màu sắc. Quả thật là lạc điệu nhưng cũng tràn đầy sức sống.




Nhấn mạnh một hiệu quả: Một số kết hợp màu được cố tình dùng thô bạo, mục đích của việc vẽ màu cơ thể này là tạo sự lẫn lộn, dấu đi hình thể thật của khuôn mặt, ống kíng wide và góc nghiêng của máy được chọn để làm tăng hiệu quả
- Màu và cảm xúc:


Sự hài hòa về tương phản màu sắc có thể là hệ quả do các nhóm màu gợi nên một kinh nghiệm về giác quan, như nóng hay khô hạn. Có một mối liên hệ giữa cảm giác và màu sắc, mạnh và tự nhiên nhất là mối liên hệ với nhiệt độ. Nhưng sự tương phản Ẩm/Khô hay Sáng/Tối cũng rất quan trọng. Lửa có màu cam, hoặc những màu gần nó trong vòng tròn màu sắc (vàng cam hoặc đỏ cam). Thực tế màu "nóng" nhất là màu đỏ-cam, màu đối nghịch với nó là màu Xanh dương-Xanh lá cây cũng chính là màu "lạnh" nhất. Sự tương phản nóng-lạnh có mặt khắp nơi do chính là màu của mặt trời và bầu trời, hay trong bóng râm, chúng tương phản mạnh nhất vào lúc hoàng hôn.
Màu cũng gắn liền với độ ẩm, một màu nóng gắn liền với sự cằn cỗi và cát bụi gây nên một cảm giác khô cằn, trong khi đó màu Xanh lá cây và xanh dương gợi hình ảnh mặt nước hay thực vật xum xuê. Mặt khác các màu sáng gợi nên hình ảnh ánh sáng ban ngày, còn các màu tối gắn liền với chiều tối. Sự tương phản cũng cho cảm giác về khoảng cách không gian, các màu lạnh lùi ra xa, trong khi các màu nóng tiến lại gần. Nếu các chủ thể có màu nóng được đặt trên nền màu lạnh thì cảm giác chiều sâu là rất mạnh, cảm giác này khác vớ i cảm giác tạo bởi Sáng/Tối, nhưng nếu kết hợp cả hai sẽ cho kết quả mĩ mãn. Kinh nghiệm cũng cho ta thấy các màu tái gợi nên sự trong suốt và nhẹ nhàng, cảm giác đó gắn liền với màu xanh của bầu trời không mây, nhưng cũng là màu xanh tái của sự vật trong sương mù.
Sự hợp thức các cảm giác đối nghịch dựa trên việc chia vòng tròn màu sắc thành hai phần, là những cực đối nghịch thành nhóm theo các trục khác nhau. Trục Sáng/Tối dựa trên màu Vàng/Tím, Lạnh/Nóng dựa trên màu Đỏ Cam/Xanh dương Xanh lá cây, trong khi đó trục Khô/Ẩm theo các màu Cyan/Đỏ cam.





Màu ẩm ướt: đường hầm đổ nát của ngôi đền Angko Wat, gam màu của một ngày phủ mây đi từ Xanh lá cây đến Xanh dương-Xanh lá tạo cảm giác ẩm ướt, rêu phong




Hoàng hôn ở Cornouilles, áng sáng phía đông một ngôi làng chài được tô phủ một palette màu xanh dương, tạo nên không khí lạnh sự mở đầu một ngày mới.




Một hộp Shaker: Buổi chiều tà ánh nắng mang sắc màu cam, Các tia nắng phải xuyên qua bầu khí quyển ở khoảng cách lớn hơn nên bị lọc bớt các màu lạnh-bước sóng ngắn hơn do sự phân tán
- Các màu "điếc":


Phần lớn các màu chúng ta chụp không nguyên chất, dù chúng ít tác động hơn các màu tươi, nhưng sự biến đổi sắc màu tế nhị có thể làm cho phong phú các bức ảnh. Các lý thuyết về màu sắc truyền thống đều dựa trên các sắc màu bão hòa, các nhà họa sĩ tạo ra các sắc màu của họ cũng từ các màu cơ bản nguyên chất, thế nhưng các nhà nhiếp ảnh lại "đụng" với các màu của cuộc sống hiện thực mang các tính chất khác, đó là các màu bị pha trộn và không còn bão hòa.

Thực ra các màu "điếc" cho ra những hiệu quả rất biến đổi và tinh tế, các lý thuyết về màu sắc "lăng xê" các màu bão hòa bởi vì chúng là gốc của tất cả nhưng nếu vội kết luận là nhiếp ảnh luôn tìm kiếm các màu tươi thì hoàn toàn sai lầm. Sự khác biệt giữa các màu "nhẹ" luôn nhỏ hơn sự khác biệt giữa các màu bão hòa, làm việc với chúng sẽ "gọt dũa" khả năng cảm nhận về màu sắc của chúng ta, ta sẽ học được tốt hơn cách phân biệt và đánh giá các sắc màu hiếm.

Bóng tối và bóng đổ sẽ làm mất đi các màu mạnh, như khám phá của các họa sĩ Hà lan Rembrandt và Frans Hals. Các "họa sĩ của bóng tối" này rất điêu luyện trong việc sử dụng các tông màu tối và dùng chủ yếu các bảng màu hầu như đơn sắc.

Ở bên phía bên sáng, ta thấy các màu "pastel", các họa sĩ tạo ra chúng bằng cách pha thêm màu trắng nhưng không có màu đen hay xám nên không bị xỉn. Chúng nhẹ nhàng, mong manh, nhạt, sáng và bảo tồn được sự nguyên chất của các sắc màu nguyên bản, nhưng không giữ lại được sức mạnh của chúng.




Một sự kết hợp nhẹ nhàng, nhưng giàu màu sắc của các cánh cửa sổ ở thành phố râjasthâni Jaipur




Màu nâu đỏ da các con heo quay này trong một nhà hàng bình dân ở Manille là một màu "điếc". Các màu khác như màu xanh lá cây xỉn có những biến đổi bão hòa hơn, nhưng màu nâu luôn luôn không bão hòa.




Con lạc đà bị bịt mắt xay cối dầu mè ở thành phố Soudan, cảnh này không thay đổi cả ngàn năm nay, các màu điếc góp phần tạo nên cảm xúc vĩnh hằng cho bức ảnh




Khách sạn Saint Pancras trước khi trùng tu. Các màu nóng và phai nhạt của tiền sảnh tạo nên một không khí lỗi thời, giống như nơi này được đặt giữ và bỏ quên




Màu nâu và xám nâu của thành phố toscane trộn lẫn với ánh nắng chiều. Trong tất cả các màu thì màu nâu được Toscane gợi nên nhiều nhất
- Màu da:

Các màu da là những màu ký ức rất chính xác, bởi vì mọi người nhận thấy ngay tức khắc nếu có một cái gì không ổn. Điều này dường như nghịch lý bởi vì các gam màu da của nhận loại là mênh mông. Hơn nữa, chúng được chia thành từng nhóm rất khác biệt về nhân chủng.

Thực tế chúng ta nhận biết chính xác màu da bởi vì chúng ta thấy mỗi ngày. Các phần mềm đặc biệt về màu kí ức như iCorrect Professional dùng một không gian màu rất rộng, cho phép người dùng lấy mẫu và cất trong thư viện nhiều màu cùng lúc.

Ở đây chúng ta lấy ra nhiều bức chân dung, làm tối ưu nhất có thể để tạo ra một hiệu quả đồng nhất và trung tính. Bây giờ ta có thể phân tích bằng cách lấy các mẫu màu trên các phần khác nhau của khuôn mặt và đưa vô các mẫu gradient của photoshop. Ta sẽ có các mẫu gradient màu da của mỗi khuôn mặt, đặt tên và cất trong thư viện cá nhân




Giống như ta thấy ở đây, trên cùng một khuôn mặt sẽ có các màu khác nhau rất lí thú. Bóng phản chiếu của môi trường đóng vai trò quan trọng nên màu da đen, nhất là bầu trời xanh. Giữa các chủng tộc, các gam màu còn biến đổi nhiều hơn nữa giống như cái bảng tổng hợp dưới đây kết hợp cả 6 khuôn mặt bên trên thành một "không gian màu". Nếu sự chính xác về màu da là quan trọng với công việc của bạn, hãy tạo một mẫu không gian màu da và bổ sung thêm mỗi lần chụp chân dung
- Màu kim loại và ánh ngũ sắc:

Ánh ngũ sắc là một hiệu quả quang phổ, tùy theo góc phản xạ mà sự tán xạ, khúc xạ và giao thoa chồng chéo nhau đóng vai trò cho ra màu sắc. Chúng xuất hiện trên nhiều chất liệu, nhiều điều kiện khác nhau như các vũng dầu, bong bóng xà phòng, mây, xà cừ, plastique dưới ánh sáng phân cực (polarisé). Sự giao thoa xảy ra khi các bước sóng khác nhau tác động lẫn nhau, thường xuyên đến từ 2 mặt khác nhau của một lớp trong suốt. Sự kết hợp này thường phu du do vấn đề thời gian (các đám mây ngũ sắc) hoặc do góc nhìn thay đổi.
Màu kim loại tạo nên một nhóm khác và có những đặc điểm riêng. Sự phân biệt màu sắc do sự chuyển dần của sắc về các ánh lóe sáng, sự biến đổi về sắc màu cực kì tinh tế. Các mặt kim loại rất phản chiếu nên ánh lên sắc màu của không gian xung quanh, các màu này trộn lẫn với màu kim loại tạo nên hiệu quả lí thú và năng động. Mỗi kim loại có một màu và độ phản chiếu riêng biệt như vàng, bạc, chì hay nhôm. Loại ánh sáng, chất lượng và hướng chiếu sẽ tạo ra sự khác biệt, bằng cách điều khiển chúng ta có thể tạo ra muôn vàn hiệu quả.
Với các chất vải ngũ sắc, tơ tằm là một trường hợp đặc biệt, do kĩ thuật dệt tạo nên các màu khác nhau của sợi nền và sợi canh, và một trong hai sẽ thống trị tùy theo góc nhìn. Để tạo nên hiệu quả cho bức ảnh hãy tạo nên các nếp nhăn thật rõ ràng.




Lụa Thái lan, các chi tiết thêu có ánh màu kim loại nhưng bản thân chất vải lụa cho nên một hiệu quả cát nhiễu do người thợ dệt dùng các màu khác nhau cho các thớ sợi. Trong cả 2 trường hợp, một vài nếp nhăn làm tăng giá trị




Sự phản chiếu ánh sáng nhân tạo lên nền kim loại bóng của những chiếc xe trong parking. Hãy chú ý sự thay đổi nhẹ nhàng của màu kèm theo sự biến đổi của tông




Chất phủ màu chì của bức tượng ở Java này cho ra chất kim loại vì tính phản chiếu. Ánh sáng khuyếch tán của bầu trời phủ mây tạo nên hiệu quả biến chuyển dần của một tông đồng nhất
Tác giả bài viết: Micheal Freeman (Xman dịch)
Nguồn tin: The digital photography expert, colour

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

anh.htt@gmail.com