Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Tạo bố cục ảnh như bản năng

Trong nghệ thuật nói chung hay nhiếp ảnh nói riêng, bố cục luôn luôn là một trong những thành tố quan trọng nhất tạo ra nội dung của tác phẩm. Để hiểu về bố cục không phải là việc đơn giản, tưởng là dễ nhưng lại rất khó, tưởng là phức tạp nhưng cũng đơn giản.
Nhiều người cho rằng bố cục là một giá trị trừu tượng, nhưng trên thực tế nó rất cụ thể và không trừu tượng chút nào. Nó cụ thể đến mức, trên đời này không có cái khái niệm nào gọi là “phá cách trong bố cục”

Khi chụp ảnh, tôi luôn chú ý đến ánh sáng, nội dung thể hiện và không bao giờ bỏ qua bố cục.

Bố cục trong nhiếp ảnh thì cũng đa dạng vô cùng, bố cục ánh sáng, bố cục màu sắc, nhưng hôm nay tôi chỉ muốn nói về bố cục hình ảnh.


Bố cục hình ảnh trong nhiếp ảnh là việc sắp xếp hay sắp đặt các thành tố hình ảnh trong một không gian giới hạn để thể hiện được ý tưởng của nhiếp ảnh gia.


I. CÂN BẰNG
Đây là đặc tính quan trọng nhất trong bố cục tạo hình, bao gồm hội họa, nhiếp ảnh, thậm chí cả điện ảnh. Cân bằng được chia là 2 dạng:

1. Cân bằng đều:

Bức ảnh trên là ví dụ sống động cho cân bằng đều, đường chân trời nằm ở gần giữa bức ảnh, chủ thể nằm ở chính giữa luôn. Nửa trái và nửa phải của bức ảnh là bản sao của nhau, thậm chí nửa trên và nửa dưới cũng có thể là bản sao của nhau. Đây là dạng bố cục thẳng thắn, đơn giản và tập trung, người xem sẽ tập trung vào chủ thể ngay lập tức, một cách khác, chủ thể sẽ nổi bật lên ngay trong một bức ảnh.

2. Cân bằng lệch: 


Cân bằng lệch ở đây là lệch vật thể chứ không phải lệch nội dung. Tính đối xứng sẽ làm cho việc lệch vật thể trở thành cân bằng về nội dung. Một phần quan trọng lại có thể chiếm tỷ lệ không gian cực kỳ nhỏ, trong khi phần còn lại chiếm không gian rất lớn để cân bằng lại. Giống hệt như việc vẽ một quả táo đen xì đặt cạnh quả táo xám, quả táo xám sẽ phải vẽ to hơn quả táo đen để có thể cân bằng về hình ảnh.
Do đó, chủ thể hay đường chân trời đều lệch về một phía. Với cách bố cục lệch này, người xem ban đầu sẽ tập trung vào chủ thể, nhưng sau đó sẽ đưa mắt đến những “khoảng không”, giúp cho bức ảnh sinh động hơn.
CHÚ Ý: bố cục 1/3 không phải là một quy tắc bắt buộc. Nó chỉ là một tập con rất nhỏ trong Cân bằng lệch mà thôi.




II. ĐƯỜNG DẪN

Tôi thấy có tất cả 3 loại đường dẫn:

1. Tập trung vào chủ thế:


Bức ảnh trên là sự kết hợp của cân bằng lệch và đường dẫn. Chúng ta có thể thấy rằng, hàng rào đã tạo hiệu ứng kéo mắt nhìn của người xem vào ông thợ câu hay những toà nhà xa xa.


2. Đi xa khỏi chủ thể:
Cách này có khó khăn hơn đôi chút nhưng nó sẽ tạo chiều sâu 3D cho bức ảnh, khiến cho người xem ít nhiều sẽ nhìn vào bức ảnh lâu hơn, có thể giúp cho người xem tìm thấy được một chủ thể khác.



3. Tạo thế cân bằng trong bức ảnh:
Cách này được áp dụng rất rộng rãi trong ảnh thời trang. Các cách sắp đặt và diễn cho người mẫu tạo ra những đường dẫn tưởng tượng sẽ làm cho bức ảnh cân bằng hơn về mặt hình học và từ đó cũng tạo ra sự sinh động cho chúng.




III. TẬP TRUNG
Một bức ảnh hay luôn hướng được ánh mắt vào điểm cần nhấn mạnh, chúng ta có thể sử dụng ánh sáng để làm điều đó. Đương nhiên, bố cục cũng có thể làm được. Chúng ta có thể thấy rằng, một trong những mục đích chính của bố cục chính là tập trung con mắt người xem. Trong bố cục nhiếp ảnh, để tâp trung con mắt vào chủ thể, chúng ta có thể làm bằng hai cách.

1. Xóa phông:
Cách này thì quá phổ biến rồi, phổ biến đến mức có những nhiếp ảnh gia tự phong không còn biết làm gì nữa, ngoài việc xóa phông.



2. Khung trong Khung:

Tôi chắc không cần phải phân tích về cách làm này vì hiệu ứng của nó là quá rõ rệt.


Chỉ muốn nói thêm một điều, “khung trong khung” sẽ làm bức ảnh có trường hình sâu hơn, kể cả chúng ta xóa phông trước hay phông sau mạnh đến cỡ nào. Bức ảnh sẽ có thêm một vài lớp không gian ảo.

Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng, 3 tính chất Cân bằng, Đường chéo, và Tập trung tuy tách biệt nhưng cũng liên quan chặt chẽ với nhau. Một bức ảnh tốt về kĩ thuật, hay về nội dung là một bức ảnh đẹp. Bức ảnh đó có thể tuân theo cả 3 yếu tố bố cục mà tôi đã trình bày nhưng cũng có thể chỉ tuân theo 1 yếu tố mà thôi.
Không chụp kiểu bố cục 1/3 không có nghĩa là phá cách. Khi đã nhìn thấy được toàn cảnh về bố cục, chúng ta sẽ tỉnh táo và không bao giờ nghĩ đến việc phá cách nữa, phá đi đâu khi nó vẫn nằm ở đó mà thôi.
Một bức ảnh có thể coi là bố cục hay, cũng có bức ảnh bị coi là bố cục dở. Mặc dù hay hay dở là ý kiến chủ quan nhưng nếu bố cục không thể hiện được ý tưởng của tác giả, nó là một bố cục thất bại. Câu hỏi được đặt ra là: khi chụp có cần phải suy nghĩ trước về bố cục hay không?
Câu trả lời của tôi là có và không. Phải chú ý đến bố cục vì nó chính là một trong những yếu tố quyết định để thể hiện ý tưởng. Khi chúng ta xem thật nhiều và chụp thật nhiều, những khái niệm về bố cục sẽ trở thành bản năng mà không cần phải nghĩ đến nó khi bấm máy nữa.
Và hãy tạo bố cục ảnh trở thành bản năng !
Tác giả bài viết: James Duong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

anh.htt@gmail.com