Cho đến thời điểm hiện tại, những kiến thức cơ bản về
nhiếp ảnh mà GenK gửi tới bạn đọc có lẽ đã ở mức “đủ xài”. Bởi vậy bắt
đầu từ bài viết tuần này, GenK sẽ đi sâu vào hướng dẫn bạn đọc cách chụp
từng thể loại nhiếp ảnh cụ thể, mà loại hình được ưu tiên “mở màn”
chính là ảnh chụp chân dung – một đề tài GenK tin chắc được rất nhiều
bạn đọc quan tâm.
1. Lựa chọn thiết bị
Lựa chọn ống kính
Thiết bị đóng một vai trò quan trọng trong ảnh chụp
chân dung. Tác giả cá rằng 90% số ảnh chân dung bạn bắt gặp trên
Internet hàng ngày được chụp theo kiểu “xóa phông mờ mịt”. Chụp ảnh chân
dung theo kiểu xóa phông như vậy được ưa chuộng, phần vì chúng tạo ra
hiệu ứng lung linh cho phần hậu cảnh phía sau, nhưng quan trọng hơn,
chúng giúp ta dễ dàng cô lập chủ thể ra khỏi những vật thể không mong
muốn khác trong khung hình, bởi không phải lúc nào ta cũng có điều kiện
chụp ảnh chân dung trong một studio chuyên nghiệp với phông nền dựng
sẵn.
Để làm được điều đó, những chiếc máy ảnh compact có độ
zoom lớn hay máy ảnh DSLR với ống kính kit cơ bản như 18-55mm
f1/3.5-5.6 chỉ có thể cầm cự được phần nào (xem lại loạt bài viết Vận dụng độ mở ống kính) chứ không thể là giải pháp tối ưu. Bạn bắt buộc sẽ cần một ống kính đáp ứng được một hoặc cả hai tiêu chí sau:
- Có độ mở ống kính lớn.
Như đã có lần người viết nhắc tới, độ mở ống kính
chuẩn mực thường được sử dụng trong ảnh chụp chân dung là f/2.8. Như vậy
bạn sẽ cần một ống kính có độ mở tối đa phải từ f/2.8 trở lên. Cần lưu ý
rằng các con số 3.5, 2.8, 1.8,… do nằm ở phần mẫu số nên giá trị f/1.8
sẽ lớn hơn f/2.8.
- Có tiêu cự khuyến cáo từ tele trở lên.
Khái niệm “tiêu cự tele” ở đây có đôi chút phức tạp
với nhiều người. Bởi ta vốn biết rằng thân máy ảnh ống kính rời được
chia làm hai loại, phụ thuộc vào cảm biến mà nó sử dụng: fullframe hoặc
crop. Các cụm từ wide-angle (góc rộng, dưới 35mm), normal (tầm trung, từ
35-70mm), tele (tầm xa, trên 70mm) khi nói về tiêu cự ống kính đều được
hiểu là trên thân máy fullframe. Tuy nhiên khi lắp lên thân máy crop,
tất cả các ống kính đều bị nhân tiêu cự lên theo hệ số crop của cảm
biến. Ví dụ với ống kính EF-S 18-55mm f/3.5-5.6 của Canon, dải tiêu cự
18-55mm ghi trên ống kính này được hiểu là trên thân máy fullframe.
Trong khi nó lại là một ống kính chỉ sử dụng được với thân máy crop, và
do đó dải tiêu cự thực tế của ống kính này phải là 28.8-88mm, do thân
máy crop của Canon có hệ số nhân tiêu cự là 1.6.
Đối với cả hai thương hiệu máy ảnh được nhiều người
Việt Nam biết đến là Canon và Nikon, ống kính 50mm f/1.8 của mỗi hãng
đều rất được ưa chuộng, sở dĩ cũng vì chúng đáp ứng được cả hai tiêu chí
trên, trong khi giá thành lại rất rẻ. Với độ mở lớn (f/1.8) và tiêu cự
tele (50mm x hệ số crop = 80mm ở Canon và 75mm ở Nikon), ống kính này có
khả năng chụp chân dung khá tốt, và do đó GenK cũng khuyến cáo các bạn
nên sắm một chiếc trên con đường khởi đầu nhiếp ảnh.
Ống kính EF-S 50mm f/1.8 mark II của Canon có giá khoảng $100.
Với những người có điều kiện kinh tế cao hơn hoặc đã
sử dụng qua ống kính này và muốn nâng cấp lên một lựa chọn khác tốt hơn,
thì cặp đôi ống kính 35mm f/1.8 (ở Nikon) và 85mm f/1.8 có thể sẽ là
câu trả lời hợp lý dành cho các bạn.
“Viên ngọc đường phố” AF-S 35mm f/1.8 G của Nikon.
Và “huyền thoại chân dung” Nikon AF 85mm f/1.8 D.
Ngoài hai yếu tố trên, để có được tấm hình chân dung
(lưu ý ở đây đang nói về chân dung xóa phông) đẹp, bạn đọc còn cần biết
đến một số khái niệm khác như độ sắc nét của ống kính, nguy cơ out nét
hay số lượng lá khẩu bên trong ống kính. Trong đó:
- Độ sắc nét của ống kính là khả năng chụp
hình với độ nét cao ngay tại độ mở lớn nhất. Thực tế có một số loại ống
kính giá rẻ hoặc được sản xuất với công nghệ thời “ơ-kìa” chỉ đạt được
độ sắc nét tối đa khi khép khẩu độ xuống f/3.5, thậm chí f/5.6. Như vậy
những giá trị độ mở lớn hơn nếu có của chúng cũng chỉ là vô tác dụng.
Một số loại ống kính khác lại chỉ nét ở vùng trung tâm mà bị “mềm”
(soft) tại vùng rìa ảnh. Điều này cũng có thể chấp nhận được, tuy nhiên
sẽ gây khó chịu nếu bị “soft” nặng.
- Nguy cơ out nét là khi ta chụp với độ mở ống
kính lớn, dù đã thực hiện thao tác auto-focus rất chuẩn xác và máy cũng
đã báo lấy được nét rồi, nhưng thực tế ảnh chụp ra vẫn bị mất nét
(nhòe) tại điểm mà ta auto-focus.
- Số lượng lá khẩu: ta biết rằng độ mở ống
kính thay đổi được là do sự chuyển động khép – mở của các lá khẩu xếp
chồng liên tiếp nhau bên trong ống kính. Số lượng lá khẩu càng lớn thì
khi mở ra hay khép vào, độ mở lỗ ống kính sẽ thay đổi càng linh hoạt
hơn, ít tạo ra các cạnh và các góc, do đó bokeh khi lên ảnh sẽ càng tiến
gần tới hình tròn, mềm mại và đẹp hơn.
Lá khẩu và cách chúng khép – mở để thay đổi độ mở ống kính.
Có thể dễ dàng đếm được số lá khẩu bên trong ống kính bằng cách khép khẩu độ lại giá trị nhỏ
nhất. Trong hình này, ống kính có 9 lá khẩu.
Khi chọn mua một chiếc ống kính nào đó, bạn đọc nên
tham khảo các bài viết đánh giá chất lượng hoạt động và thông số kỹ
thuật của sản phẩm để lưu ý các yếu tố này. Ống kính 50mm f/1.8 được
nhắc tới ở trên có thông số kỹ thuật lý tưởng là vậy, nhưng giá thành rẻ
là bởi vì chúng chỉ có 6 lá khẩu bên trong ống kính, và xác suất bị out
nét khi chụp ở độ mở f/1.8 là khá cao (tuy nhiên, vì độ mở chuẩn mực để
chụp ảnh chân dung là f/2.8 nên ta hoàn toàn có thể khép nhỏ khẩu độ
lại để khắc phục điểm yếu này).
Lựa chọn thân máy
Nếu như ống kính chiếm đến 60% chất lượng của một tấm
hình chân dung đẹp, thì thân máy chiếm 25%, và 15% còn lại dành cho các
thiết bị bổ trợ khi chụp hình trong điều kiện không lý tưởng (ở đây ta
chỉ đề cập tới vấn đề thiết bị nên không tính đến các yếu tố khác như
kinh nghiệm, kỹ thuật của người chụp, khả năng tạo dáng của chủ thể).
Đối với thân máy, có một số điểm cần lưu ý khi chọn lựa như sau:
- Khả năng khử noise (nhiễu, hạt trên ảnh): dù
ISO thấp nhất có thể luôn là lựa chọn hàng đầu trong nhiếp ảnh chân
dung, nhưng đôi khi trong những điều kiện chụp phức tạp, ta không có
cách nào khác ngoài việc đẩy ISO lên cao. Một chiếc máy ảnh có khả năng
khử noise tốt ở dải ISO 400-800 sẽ rất hữu ích trong tình huống này. Khử
noise tốt được hiểu là hạn chế nhiễu, hạt tại những vùng thiếu sáng mà
không làm mất đi (quá nhiều) chi tiết của hình chụp.
- Khả năng chụp liên tiếp và tốc độ lấy nét
nhanh: ảnh chân dung không phải lúc nào cũng là chủ thể đứng im (và cười
mỏi miệng) đợi chúng ta chụp. Ví dụ như chụp ảnh bay chẳng hạn, khả
năng chụp liên tiếp ở tốc độ cao sẽ giúp người chụp dễ dàng ghi trọn cả
một quá trình từ lúc chủ thể nhún chân bật lên cao cho tới khi tiếp đất,
rồi chọn lại một kiểu ưng ý nhất. Hoặc với ảnh chân dung đời thường
(hay còn gọi vui là chụp trộm), tốc độ lấy nét nhanh giúp chúng ta tránh
đánh mất khoảnh khắc quý giá và “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” trước khi
đối tượng kịp nhận ra và phản ứng. Bởi vậy nên tuy không quá quan
trọng, nhưng khả năng chụp liên tiếp của máy cũng là điều cần cân nhắc,
tùy theo thể loại ảnh chân dung mà bạn muốn theo đuổi.
- Cân bằng trắng chính xác: cân bằng trắng
(whitebalance) rất quan trọng. Người viết đã từng thử nghiệm chụp ảnh
chân dung tại vườn Bách Thảo (Hà Nội) trong một ngày trời có nắng, khi
thiết lập chế độ cân bằng trắng tự động trên Nikon D700, thì kết quả là
9/10 tấm hình mặt chủ thể đều bị ám sắc tím. Như vậy là ngay cả một
chiếc máy ảnh đắt tiền cũng có thể cho kết quả cân bằng trắng sai nếu để
mặc chúng tự định đoạt số phận của tấm hình. Khi đó, những mẫu máy ảnh
có khả năng thiết lập cân bằng trắng theo nhiệt độ K hoặc custom preset
để thiết lập cân bằng trắng thủ công sẽ hữu ích hơn rất nhiều.
Ảnh chụp bằng Nikon D700, set auto whitebalance trong Bách Thảo bị ám tím nặng.
Thiết bị bổ trợ
Thiết bị bổ trợ thường được sử dụng để khắc phục những
khó khăn về mặt điều kiện chụp. Ví dụ với ảnh chụp chân dung ngược
sáng, một tấm hắt sáng (thường gặp trong chụp ảnh album cưới) hay tấm
vải trắng căng rộng có thể tạo phản chiếu và bổ sung ánh sáng khá tốt
cho phía trước chủ thể.
Sử dụng tấm hắt sáng để bổ sung thêm ánh sang cho chủ thể.
Tuy nhiên với kiểu chụp “tự thân phục vụ”, thì thiết
bị bổ trợ hữu ích nhất không gì khác ngoài một chiếc đèn flash gắn ngoài
(external flash), bộ điều khiển từ xa và giá đỡ máy ảnh (tripod).
External flash có thể gắn ngay trên đế đèn (hotshoe) nằm trên đỉnh máy,
hoặc khi khoảng cách từ người chụp đến chủ thể là rất xa (với ống kính
tele) thì có thể gắn external flash lên tripod, đặt tripod ở vị trí
thích hợp rồi sử dụng bộ điều khiển để kích hoạt đèn từ xa trong lúc
chụp. Để ánh sáng phát ra từ đèn không quá gắt và chiếu trực diện lên
mặt chủ thể (dễ gây bẹt ảnh, lóa sáng), nên có một chiếc chụp đèn làm
nhiệm vụ tản sáng (diffuser) như hình dưới đây:
External flash thậm chí có thể gắn trên máy ảnh du lịch.
hotshoe hay còn gọi là đế cắm đèn.
Diffuser (cục màu trắng) giúp tản sáng, cho ánh sáng dịu và tỏa đều hơn.
Phần 1 của loạt bài viết Hướng dẫn chụp ảnh chân dung
này có thể hơi buồn tẻ nhưng lại rất quan trọng. Đơn giản bởi vì nếu sai
lầm ngay từ khâu chọn lựa thiết bị ban đầu thì bạn đọc sẽ không thể
thực hiện được những tấm hình chụp đúng theo ý muốn và đạt kết quả tốt.
Cũng giống như việc biết trước mình sẽ phải ra trận mà lại chọn mang
theo một chiếc bút viết thay vì khẩu súng vậy. Để làm rõ hơn các vấn đề
liên quan tới thiết bị trong trường hợp bạn đọc vẫn băn khoăn không biết
nên lựa chọn ống kính nào, thân máy nào,… người viết bài rất vui lòng
được giải đáp tất cả mọi thắc mắc của các bạn thông qua phần Bình luận
bên dưới bài. Khi để lại câu hỏi, các bạn nhớ cho biết:
- Số tiền mà các bạn dự định chi.
- Thể loại ảnh thường chụp hoặc dự định sẽ chụp nhiều.
- Điều kiện chụp: ban ngày hay buổi tối, ngoài trời hay trong nhà,…
- Các lựa chọn mà bạn đang băn khoăn (nếu có).
Hẹn gặp lại các bạn trong bài viết tuần sau, phần 2 hứa hẹn nhiều điều thú vị hơn nữa!
hay quá
Trả lờiXóahạt hạnh nhân vietnuts