Ngày nay, việc sở hữu một chiếc máy ảnh số đã không còn là điều quá
xa vời đối với nhiều người. Máy ảnh số có nhiều ưu điểm hơn máy ảnh
phim ở tính tiện lợi (chụp và chia sẻ), tiết kiệm (tính trên khoảng chi
phí lâu dài) và gọn nhẹ (trọng lượng, lưu trữ). Tuy nhiên, chọn được một
chiếc máy ảnh số sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng và túi tiền của
mỗi người là điều không hề dễ.
Kính thưa độc giả, từ bây giờ GenK sẽ bắt đầu một tuyến bài chuyên
sâu về máy ảnh số. Một cách chung nhất, chuyên đề này sẽ trang bị cho
độc giả những kiến thức từ cơ bản tới nâng cao về những chiếc máy ảnh và
các kiến thức, kinh nghiệm chụp ảnh, để bạn có thể tự tin chọn mua và
tận dụng được hết tính năng của chúng.
Trước hết, chúng ta hãy bắt đầu với việc phân loại máy ảnh. Máy ảnh
số ngày nay có thể tạm chia thành hai loại phổ biến: loại có thể tháo
rời (và chuyển đổi qua lại) ống kính và loại ống kính liền hay còn gọi
là máy ảnh du lịch.
Máy ảnh ống kính rời
Gồm có 2 phần chính: thân máy (body) và ống kính (lens) có thể tháo
rời, cũng là đặc điểm dễ nhận dạng nhất của loại máy ảnh này. Máy ảnh
ống kính rời thông dụng gồm có:
- DSLR: (Nikon D90, D7000, Canon 60D, 600D, Pentax K-r, K7,…) là loại máy ảnh ống kính rời có gương lật, có kính ngắm quang.
- Mirrorless: (Nikon V1, J1, Olympus E-PL3, Sony NEX-5N, NEX-7,…)
là loại máy ảnh không gương lật nên đa số ngắm chụp bằng màn hình LCD.
Một số mẫu máy có thêm kính ngắm điện tử (electric viewfinder).
Máy ảnh ống kính rời thường sử dụng cảm biến lớn, có hệ thống ống
kính rời đa dạng, đáp ứng mọi mục đích chụp nên cho chất lượng ảnh vượt
trội. Tuy vậy, sử dụng máy ảnh ống kính rời phức tạp hơn nhiều so với
máy ảnh du lịch, bởi có nhiều thiết lập yêu cầu người cầm máy phải có
các kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh.
Máy ảnh ống kính rời đơn phản xạ (Digital – Single Lens Reflex) có cấu tạo cực kỳ phức tạp.
Chú thích:
1 - Hệ thấu kính (ống kính máy ảnh)
2 - Gương phản xạ
3 - Cửa sập mặt phẳng lấy nét, hay còn gọi là màn sập/màn chập (trập)
4 - Sensor (cảm biến)
5 - Màng mờ
6 - Lăng kính condenser
7 - Lăng kính 5 cạnh
8 - Lỗ ngắm
Nguyên tắc hoạt động:
Với mục đích căn hình, gương sẽ phản xạ ánh sáng đến từ ống kính
một góc 90 độ. Sau đó ánh sáng được phản xạ 2 lần bởi hệ thống phản xạ
điều chỉnh sao cho mắt của người chụp ảnh có thể thấy được. Trong quá
trình phơi sáng, gương sẽ được nâng lên và khẩu độ đóng lại (khi khẩu
được thiết lập nhỏ hơn khẩu độ tối đa của ống kính), và cửa sập mở, cho
phép ánh sáng đi qua ống kính vào cảm biến ảnh. Tiếp theo cửa sập sẽ
đóng lại, che cảm biến, kết thúc quá trình phơi sáng, và gương hạ xuống.
Thời gian gương nâng lên được gọi là khoảng thời gian tối ở ống ngắm
hay còn gọi là thời gian chụp (tốc độ chụp). Hệ thống gương và cửa sập
hoạt động nhanh được sử dụng cho việc chụp ảnh với tốc độ cao.
Máy ảnh du lịch (Point and shot)
Là loại máy ảnh gọn nhẹ, dễ sử dụng đúng như tên gọi: “bấm và
chụp”, ống kính gắn liền không thể tháo rời hay thay đổi, không có gương
lật và do đó không có kính ngắm quang (optical viewfinder) mà thường
chỉ có màn hình LCD. Máy sử dụng cảm biến nhỏ, vì thế chất lượng ảnh kém
hơn nhiều máy ảnh ống kính rời.
Máy ảnh du lịch có cấu tạo đơn giản hơn DSLR rất nhiều.
Cảm biến máy ảnh số
Cảm biến là bản mạch bán dẫn có khả năng cảm nhận ánh sáng chiếu
lên trên nó, nhờ đó mà hình ảnh được ghi nhận dưới dạng mã hóa điện tử
(kỹ thuật số). Như vậy về bản chất, cảm biến máy ảnh số đã làm nhiệm vụ
của phim nhựa và màn trập trên máy ảnh cơ.
Cảm biến của máy ảnh ống kính rời thông thường gồm ba loại, có kích
thước giảm dần: Full Frame, APS-C và Four-Thirds. Cảm biến Full Frame
là loại cảm biến được gắn trên những thân máy ảnh cao cấp nhất, kích
thước của chúng bằng với kích thước của 1 khung phim trong cuộn phim
35mm thường dùng. Cảm biến APS-C nhỏ hơn 1.5 lần, trong khi đó cảm biến
Four-Thirds hay micro Four-Thirds nhỏ hơn 2 lần. Mới đây nhất, Nikon cho
ra đời dòng máy ảnh không gương lật V1, J1 với cảm biến nhỏ hơn 2.7 lần
cảm biến Full Frame.
Tương quan kích thước các loại cảm biến máy ảnh.
Sự khác biệt về kích thước này dẫn đến một khái niệm gọi là “Crop
Factor” (Hệ số cắt / Hệ số cúp). Hiểu đơn giản là khi chụp ở cùng 1 điều
kiện y hệt nhau (tiêu cự ống kính, khoảng cách, góc chụp, v..v..) thì
diện tích khung hình mà cảm biến APS-C và Four-Thirds thu được sẽ tương
ứng nhỏ hơn 1.5 lần và 2 lần so với cảm biến Full Frame. Do đó, nếu muốn
thu được hình ảnh y hệt nhau thì người dùng cảm biến APS-C (hay
Four-Thirds) sẽ phải đứng xa hơn người dùng cảm biến Full Frame 1.5 (hay
2) lần khoảng cách đến chủ thể, hoặc sử dụng ống kính có tiêu cự ngắn
hơn 1.5 (hay 2) lần tiêu cự ống kính gắn trên Full Frame.
Tất cả các ống kính máy ảnh hiện nay đều ghi tiêu cự theo tiêu cự
tiêu chuẩn của máy phim, tương đương với kích thước cảm biến Full Frame.
Thông số về tiêu cự ghi trên ống kính máy ảnh đều theo “chuẩn 35mm”
– nghĩa là chuẩn trên cảm biến Full Frame. Bởi vậy, khi sử dụng trên
các máy có cảm biến nhỏ hơn, bạn phải nhân chúng với hệ số cắt tương ứng
để được tiêu cự thực tế.
Ví dụ: ống kính có tiêu cự 24mm khi gắn trên máy APS-C sẽ tương đương với tiêu cự 24mm X 1.5 = 36mm trên máy Full Frame.
Các máy ảnh ống kính rời có cảm biến Full Frame là loại máy ảnh cho
chất lượng ảnh chụp cao nhất, và giá thành cũng thường đắt nhất, lên
đến hàng nghìn USD. Đây thường là lựa chọn của những người theo đuổi
nhiếp ảnh nghiêm túc, hoặc làm nghề liên quan tới nhiếp ảnh. Trong khi
đó máy ảnh du lịch có giá thành trải dài từ khoảng 1000 USD cho đến
100-200 USD. Máy ảnh du lịch sử dụng cảm biến loại rất nhỏ, thường chỉ
thích hợp với mục đích lưu giữ lại những khoảnh khắc kỷ niệm hay chia sẻ
cùng bạn bè, gia đình mà thôi.
Trên đây là những khái niệm đầu tiên khi bạn muốn tìm hiểu về thế
giới máy ảnh số. Người đọc có thể theo dõi những bài viết trong chủ đề
bằng cách search tag “Chuyên đề máy ảnh số”
tại khung tìm kiếm của GenK. Trong loạt bài viết tiếp theo, chúng tôi
sẽ gửi tới độc giả kiến thức cơ bản về vô vàn những vấn đề khác. Chúc
các bạn có những hiểu biết vững vàng để chụp được những tấm hình tuyệt
đẹp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
anh.htt@gmail.com