Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Đồ chơi số Nhiếp ảnh cơ bản: Thiết lập các thông số trước khi chụp ảnh

Các bạn thân mến, chuyên đề máy ảnh số trên GenK đã hoạt động được hơn hai tháng. Đến giờ phút này, bạn không thể chỉ "đọc cho vui" mà cần phải theo dõi loạt bài viết đã lên trang trước đó mới có thể hiểu toàn bộ những kiến thức được đề cập tới tại bài viết ngày hôm nay. Xem lại tại đây và xin bạn đọc hãy nhớ rằng, chuyên đề máy ảnh số không chỉ dành riêng cho những ai đang sở hữu máy ảnh DSLR. Ngay cả nếu bạn chỉ đang sở hữu một chiếc máy ảnh du lịch đi chăng nữa, loạt bài viết của chúng tôi cũng sẽ trang bị cho bạn những kiến thức nhằm tận dụng tối đa khả năng của nó.
 
Trong bài viết Nhiếp ảnh cơ bản: Các bước chụp một tấm hình, chúng ta có đề cập đến 4 bước bao gồm: Bật máy, Chọn chế độ chụp phù hợp, Lấy nét và chụp, Xem lại và xóa. Tuy nhiên trên thực tế, nếu lựa chọn một trong số các chế độ chụp nâng cao (xem lại bài viết Các chế độ chụp thường gặp trên máy ảnh) chúng ta còn đồng thời phải thiết lập một số các thông số khác bởi khi đó máy ảnh sẽ dành cho chúng ta rất nhiều “đất” để sáng tạo và làm chủ chiếc máy. Việc thiết lập các thông số này có ý nghĩa như nhau trên cả máy ảnh ống kính rời lẫn máy ảnh du lịch.
 
1. Thiết lập giá trị phơi sáng (EV)
 
Với 3 chế độ chụp P, A và S, người chụp cần xác lập giá trị EV mong muốn từ trước khi chụp (xem lại bài viết Các thông số cơ bản trong nhiếp ảnh: Sự phơi sáng để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của giá trị EV này) để tạo ra tấm hình với độ phơi sáng như mong muốn. Mặc định EV=0 được coi là “đủ sáng” Các giá trị dương (+) sẽ điều chỉnh máy cho lượng sáng nhiều hơn với thực tế, giá trị âm (-) thì ngược lại. Tuy nhiên không phải lúc nào giá trị EV=0 mặc định cũng cho ánh sáng đúng với thực tế những gì mắt người nhìn thấy, nguyên nhân có thể do tính năng đo sáng làm việc sai, hoặc người dùng thiết lập cách thức đo sáng không chính xác (xem phần 2 trong bài viết này). Trong nhiều trường hợp, giá trị này sẽ cần phải giảm xuống (tương tự như mắt người khi nhìn giữa buổi trưa nắng gắt phải nheo lại và lấy bàn tay che phía trên lông mày) hoặc tăng lên (tương tự như khi nhìn ban đêm, ta thường phải cố mở mắt to ra để nhìn được rõ hơn).
 
Lúc này máy ảnh sẽ tự tính toán các thông số còn lại (tốc độ chụp, độ mở ống kính, độ nhạy sáng ISO) để hình chụp ra đạt đúng giá trị EV đã thiết lập.
 
Vì là một thông số vô cùng quan trọng, nên giá trị EV thường được ưu ái đặt trên một nút bấm riêng để người dùng có thể truy cập nhanh thay vì phải vào sâu trong Menu trên màn hình. Nút bấm này thường được ký hiệu như sau:
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Nút EV (khoanh màu đỏ) trên máy ảnh ống kính rời.
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Nút EV (khoanh màu đỏ) trên máy ảnh du lịch.
 
2. Thiết lập cách thức đo sáng (Metering)
 
Mỗi vật thể riêng rẽ trong cùng một tấm hình đều mang các giá trị sáng khác nhau. Ví dụ giá trị sáng của một chiếc bóng đèn điện chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều lần giá trị sáng của một con đom đóm. Thiết lập Metering là thiết lập cách thức mà máy ảnh sẽ ghi nhận từng giá trị sáng riêng rẽ này, rồi tổng hợp chúng lại thành một giá trị phơi sáng chung cho cả tấm hình sẽ chụp ra. Tùy theo thể loại ảnh mà chúng ta sẽ sử dụng các cách thức đo sáng khác nhau.
 
+ Matrix metering hay Evaluative/ Pattern metering: đo sáng kiểu ma trận. Máy ghi nhận giá trị sáng tại tất cả các vùng sáng tối trong khung hình, rồi sau đó tính toán để đưa ra một giá trị phơi sáng cân bằng nhất, đảm bảo mọi vật thể tại mọi vị trí trong khung hình đều ít nhiều nhận được một lượng ánh sáng chấp nhận được. Cách thức đo sáng này thường được sử dụng trong thể loại ảnh phong cảnh.
 
+Spot metering: đo sáng điểm. Máy ghi nhận và tái hiện chính xác giá trị phơi sáng tại điểm được lấy nét (tạm gọi là giá trị sáng gốc). Giá trị sáng tại các vùng còn lại trên tấm hình được tái hiện dựa trên tỷ lệ tương quan với giá trị sáng gốc này. Đây là cách thức đo sáng “buộc phải sử dụng” khi chụp ảnh chân dung, đặc biệt là chân dung trong điều kiện ngược chiều ánh sáng.
 
+ Center-weight metering: đo sáng vùng bao quanh điểm lấy nét. Đảm bảo vùng trung tâm xung quanh điểm lấy nét của tấm hình (bao gồm vị trí đặt điểm lấy nét và các vùng liền kề xung quanh) chụp ra được “đủ sáng”, trong khi các vùng sáng tối ở xa hơn có thể có sự sai lệch trong giới hạn cho phép. Thực tế Center-weight metering là cách thức đo sáng chỉ xuất hiện từ khi máy ảnh số trở nên phổ biến. Còn trước đó, trong thời kỳ máy phim lẫn máy ảnh số sơ khai, cách thức đo sáng chỉ bao gồm Matrix và Spot, cũng là hai cách thức mà chúng ta thường sử dụng nhất.
 
+ Partial metering: cách thức đo sáng ít gặp, nằm đâu đó giữa spot metering và center-weight metering.
 
Ký hiệu và minh họa cách thức đo sáng của từng loại trên:
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Máy ảnh ghi nhận giá trị sáng tại các vùng ảnh màu xám (độ đậm của màu xám thể hiện mức độ được
chú trọng nhiều hơn) rồi đưa ra giá trị phơi sáng cuối cùng cho tấm hình chụp ra.
 
Metering mode trên máy ảnh ống kính rời thường được đặt trên một nút bấm riêng. Đối với máy ảnh du lịch, nó cũng có thể nằm trên một nút bấm riêng hoặc nằm sâu bên trong Menu tùy chỉnh.
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Nút tùy chỉnh Metering dạng bấm (khoanh màu đỏ).
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Nút tùy chỉnh Metering dạng xoay gạt.
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Tùy chỉnh Metering trên Menu bên trong máy.
 
3. Thiết lập kiểu chụp (Drive):
 
Thiết lập kiểu chụp của máy: Chụp đơn (single) từng tấm một, Chụp liên tiếp (continous) nhiều tấm liên tiếp cho tới khi đầy bộ nhớ đệm, hay Chụp hẹn giờ (self-timer). Một số máy có tính năng High Continous giúp chụp liên tiếp được nhiều tấm hình hơn trong 1 giây, nhưng độ phân giải ảnh sẽ bị giảm đi.
 
Cách sử dụng các kiểu chụp này sao cho hiệu quả đã được nói tới kỹ càng trong loạt bài viết Vận dụng tốc độ chụp, mời các bạn xem lại để hiểu rõ hơn.
 
Nút thiết lập Drive:
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Nút thiết lập Drive mode (khoanh màu đỏ).
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Thiết lập drive mode trên Menu bên trong máy.
 
4. Thiết lập cân bằng trắng (White Balance / WB)
 
Xác định loại nguồn sáng hay điều kiện ánh sáng tại thời điểm chụp (điều kiện sáng là trời nắng gắt, trời nhiều mây… / nguồn sáng là đèn huỳnh quang, đèn sợi đốt…) để từ đó máy ảnh tái tạo màu sắc cho tấm hình được chính xác. Với sự phát triển của công nghệ ngày nay, máy ảnh số làm việc khá tốt trong việc tự động xác định nguồn sáng / điều kiện sáng nên người dùng có thể yên tâm để WB ở chế độ Auto, hoặc các thiết lập WB có sẵn trên máy. Với người sử dụng các mẫu máy ảnh số cao cấp hay chuyên nghiệp, còn có thể lựa chọn cân bằng trắng theo độ K hoặc custom. Ký hiệu và ý nghĩa của chúng như sau:
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
 
Ký hiệu và ý nghĩa của các loại WB (cột bên trái, từ trên xuống dưới): Cân bằng trắng tự động, Cân bằng trắng tùy chọn, Cân bằng trắng theo nhiệt độ màu Kelvin, Cân bằng trắng với nguồn sáng bóng đèn sợi đốt, bóng đèn huỳnh quang, ánh sáng ban ngày, đèn flash, trời nhiều mây, bóng râm.
 
Cột bên phải minh họa rõ nét hơn về các sử dụng Cân bằng trắng theo nhiệt độ màu Kelvin. Theo đó, nhiệt độ màu càng cao tương ứng với nguồn sáng càng lạnh, lúc này máy sẽ phải bổ sung thêm gam màu lạnh vào hình chụp để bù lại.
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Nút tùy chỉnh WB (khoanh màu đỏ) trên máy ảnh.
 
5. Thiết lập độ nhạy sáng (ISO)
 
Như bài viết Các thông số cơ bản trong nhiếp ảnh: Sự phơi sáng đã phân tích, ISO cao cho tốc độ chụp nhanh hơn, khắc phục được nhược điểm của những ống kính có độ mở nhỏ, tuy nhiên bù lại, chất lượng ảnh sẽ kém đi với nhiều hạt (noise) và sự sai lệch trong tái hiện màu sắc. Với các mẫu máy ngày nay, ISO tối đa có thể lên tới 128.000, nhưng thực sự đó chỉ là con số mang tính chất chạy đua công nghệ giữa các hãng với nhau, vì chẳng ai cần đến mức ISO “điên rồ” đó cả. ISO 50-100 được coi là tốt nhất cho ảnh chụp chân dung (ngoài trời, đủ sáng) vì chúng tạo hiệu ứng mịn da (khỏi cần Photoshop) cho người mẫu. ISO 200-800 phù hợp với ảnh chụp trong nhà, trời chiều muộn. ISO 800-1600 phù hợp với ảnh chụp buổi tối, ánh sáng yếu.
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Nút tùy chỉnh ISO.
 
6. Thiết lập cách thức lấy nét (Focusing)
 
Chuyển đổi qua lại giữa 3 phương thức lấy nét: tự động lấy nét một lần (Single autofocus), tự động lấy nét liên tục (Continuous autofocus) và lấy nét bằng tay (Manual focus) tùy theo từng thể loại ảnh chụp (xem lại bài viết Vận dụng tốc độ chụp - phần I).
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Nút tùy chỉnh Focusing.
 
Thông thường, Single autofocus được sử dụng với chủ thể tĩnh (chân dung, phong cảnh, tĩnh vật). Continuous autofocus được sử dụng để đeo bám (object tracking) chủ thể động (thể thao, trẻ em, tốc độ cao) và Manual focus được sử dụng trong trường hợp chủ thể có ít sự tương phản (ví dụ: bức tường đồng màu) hoặc khoảng cách lấy nét cực gần (close-up).
 
7. Thiết lập kích thước và chất lượng ảnh chụp
 
nhiep-anh-co-ban-thiet-lap-cac-thong-so-truoc-khi-chup-anh
Nút thiết lập kích thước và chất lượng ảnh chụp (khoanh màu đỏ).
 
Thông thường máy ảnh số lưu ảnh dưới 2 định dạng: ảnh số dạng thô (file .RAW, .TIFF) và ảnh số dạng nén (file .JPG hay .JPEG). Nếu bạn không phải là người quan tâm nhiều tới vấn đề xử lý hậu kỳ với các phần mềm chuyên dụng như Photoshop thì không cần sử dụng tới định dạng ảnh thô vì chúng có dung lượng rất lớn, tầm vài chục – thậm chí đến cả trăm Mb.
 
Với mỗi ảnh chụp, có thể lựa chọn kích thước lớn (chính là độ phân giải tối đa mà mỗi mẫu máy ảnh thường quảng cáo, ví dụ 18 “chấm” – 18 Megapixel), vừa hoặc nhỏ.
 
Tương tự như vậy, chất lượng ảnh có thể chọn Tốt (Fine, Best), Bình thường (Normal, Standard) hoặc Thấp (Low), chúng sẽ ảnh hưởng tới dung lượng của ảnh.
 
Trên đây là các thông số quan trọng mà bạn đọc cần thiết lập – bất kể với một chiếc máy ảnh ống kính rời cao cấp hay du lịch bình dân, để tối ưu hóa khả năng làm việc của chúng. Trong bài viết tuần sau, GenK sẽ hướng dẫn các bạn cách bố cục một tấm hình sao cho thật "chuyên nghiệp và ấn tượng". Sẽ là một bài viết thú vị và bổ ích khác nữa, mời bạn đọc đón xem!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

anh.htt@gmail.com