Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Nhiếp ảnh cơ bản: Bố cục trong nhiếp ảnh (phần II)

bài viết tuần trước, GenK đã giới thiệu tới bạn đọc khái niệm cũng như tầm quan trọng của bố cục trong nhiếp ảnh, đồng thời hướng dẫn bạn đọc vận dụng quy tắc 1/3 vào bố cục ảnh chụp. Bởi vì bố cục trong nhiếp ảnh là một khái niệm rộng lớn mênh mông với vô vàn các tập con bên trong, nên người viết bài này không hề có tham vọng sẽ tổng hợp lại “tất cả” (ngay cả từ “tất cả” ở đây cũng xin được đặt trong ngoặc kép vì chỉ mang tính tương đối) các loại hình bố cục này. Thay vào đó, GenK sẽ giới thiệu tới các bạn một khái niệm ở mức độ tổng quát hơn, đó là tính cân bằng trong bố cục nhiếp ảnh. Và ở phần sau của bài viết, tác giả sẽ chia sẻ với bạn đọc một vài mẹo nho nhỏ để ảnh chụp được chuyên nghiệp hơn.
 
1. Tính cân bằng trong bố cục nhiếp ảnh
 
Tính cân bằng đóng một vai trò rất quan trọng trong bố cục tạo hình của nhiếp ảnh. Có thể chia đặc tính này ra thành 2 dạng: cân bằng đều và cân bằng lệch.
 
Một ví dụ của cân bằng đều:
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-ii
Nguồn: Internet.
 
Trong tấm hình này, có thể thấy nhiếp ảnh gia đã đặt đường chân trời (phân cách mặt nước) vào vị trí gần như chính giữa khung hình. Bằng cách đó, tấm hình được chia thành 2 nửa đối xứng nhau, với các vật thể phía bên trên được mặt nước bên dưới phản chiếu lại hoàn toàn. Kiểu cân bằng đều này rất thường được sử dụng trong nhiếp ảnh phong cảnh và nhiếp ảnh kiến trúc, bởi nó tạo cảm giác chặt chẽ và tĩnh lặng cho tấm hình.
 
Thay vì xếp đặt góc nhìn dựa trên vị trí các vật thể, cân bằng lệch lại thường là loại bố cục được xây dựng dựa trên sự đối lập về màu sắc hoặc kích thước của các vật thể trong khung hình:
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-ii
Ảnh của NAG James Dương - jamesphotoworld.com.
 
Nhìn ảnh trên, có thể thấy rằng quy tắc 1/3 thực ra cũng là một dạng của bố cục cân bằng lệch. Và thực vậy, cân bằng lệch là dạng bố cục mà ta sẽ thường bắt gặp nhiều hơn trong nhiếp ảnh, bởi nó ngay lập tức dẫn dụ con mắt người xem đến với điểm nhấn của tấm hình, trước khi “giải phóng” tầm nhìn về phía những khoảng không gian rộng lớn hơn, qua đó tạo cảm giác nhẹ nhõm, phóng khoáng cho người xem.
 
2. Một vài mẹo giúp bạn trở nên “chuyên nghiệp” hơn
 
Để trở thành một người chụp ảnh chuyên nghiệp – hay còn gọi là một nhiếp ảnh gia, có lẽ là điều không tưởng và cũng không phải là mục đích của đại đa số các bạn đọc đang đọc bài viết này. Tuy nhiên, khi đã bỏ tiền ra đầu tư một chiếc máy ảnh cho riêng bản thân mình, dù là du lịch bình dân hay ống kính rời cao cấp, chắc chắn không ai muốn ảnh chụp của mình chỉ dừng lại ở mức độ lưu niệm. Trong khi việc rèn luyện kỹ năng chụp ảnh cũng như học hỏi kiến thức về nhiếp ảnh là thứ không thể có được trong một sớm một chiều, thì một vài mẹo nho nhỏ sau đây có thể sẽ giúp bạn trở nên “chuyên nghiệp” hơn một chút trong mắt mọi người.
 
Sử dụng tỷ lệ ảnh 3:2
 
Tỷ lệ ảnh (hay tỷ lệ khung hình) là tỷ lệ kích thước hai cạnh liền kề nhau của một tấm hình. Tỷ lệ này về bản chất chính là tỷ lệ kích thước hai cạnh liền kề nhau của cảm biến nằm bên trong máy. Với máy ảnh du lịch, tỷ lệ này là 3:4, trong khi đó máy ảnh ống kính rời lại có tỷ lệ ảnh là 3:2.
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-ii
Tỷ lệ ảnh 3:4. Ảnh: Tiểu Phong.
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-ii
Tỷ lệ ảnh 3:2. Ảnh: Tiểu Phong.
 
Trong số ít trường hợp, tỷ lệ ảnh 3:4 cho hiệu quả tốt hơn vì chúng bao phủ được một diện tích lớn hơn của khung hình (như ở ví dụ trên), nhưng trong đại đa số trường hợp, tỷ lệ ảnh 3:4 tạo cảm giác “béo phì” cho tấm hình, và nó cũng không tương thích với kích cỡ ảnh in 12x18cm (có tỷ lệ 2 cạnh tương đương 2:3) mà ta thường sử dụng. Bởi vậy trước khi chụp, hãy vào Menu / Camera Settings / tìm mục Aspect Ratio (hoặc bất cứ mục nào tương tự có chữ ratio kèm theo các tùy chọn 3:2, 3:4, 1:1, 16:9, v..v.. tùy theo cách đặt tên của từng máy) và chuyển về tỷ lệ ảnh 3:2. Một số máy (du lịch) không có tùy chọn này thì bạn có thể chụp bình thường (với tỷ lệ 3:4) rồi sử dụng một phần mềm chỉnh sửa ảnh hậu kỳ nào đó để cắt (crop) hình lại theo tỷ lệ 3:2. Bằng cách đơn giản này, bạn sẽ có được một tấm hình với tỷ lệ khung hình đẹp hơn, và… “đánh lừa” người xem rằng bạn đang sở hữu một chiếc máy ảnh ống kính rời! (just for fun)
 
Tránh để lộ điểm yếu của cả máy lẫn người chụp
 
Nếu chiếc máy ảnh của bạn khử noise không tốt thì đừng chụp với ISO cao. Thông thường máy ảnh du lịch chỉ nên chụp với ISO từ 400 trở xuống. Với máy ảnh ống kính rời, con số này có thể là 800, 1600 hoặc 3200 tùy theo mức độ hiện đại cũng như giá thành của chúng. Đây chính là một ví dụ về tránh để lộ điểm yếu của chiếc máy mình đang dùng.
 
Về phía người chụp, khi chưa chắc chắn về một thể loại ảnh chụp nào đó thì đừng “mạnh miệng” tuyên bố rằng mình có thể. Bởi ngay lập tức sau đó, rất có thể bạn sẽ rơi vào cảnh “há miệng mắc quai”, bị người khác nhờ chụp đúng thể loại đó. Những thể loại ảnh như phơi sáng, ngược sáng, “đóng băng” chuyển động mà GenK từng nhắc tới đều cần đến kiến thức vững vàng, sự luyện tập và phần nào đó sự trợ giúp từ thiết bị chứ không đơn giản cứ giơ máy lên là làm được.
 
Sử dụng một phần mềm chỉnh sửa ảnh hậu kỳ
 
Không nhất thiết cứ phải là Photoshop, một phần mềm chỉnh sửa ảnh hậu kỳ với các tính năng đơn giản, tự động cũng có thể khiến tấm hình của bạn trở nên đẹp hơn. Cá nhân người viết xin khuyến cáo các bạn thử cài đặt và sử dụng phần mềm miễn phí Photoscape phiên bản mới nhất 3.6.2 (HĐH Window). Đây là một phần mềm rất nhẹ, chỉ 15-16 Mb nhưng rất mạnh mẽ và thông minh. Link download tại đây: http://www.photoscape.org/ps/main/download.php/
 
nhiep-anh-co-ban-bo-cuc-trong-nhiep-anh-phan-ii
Phần mềm Photoscape với giao diện trực quan, dễ sử dụng.
 
Cách sử dụng một phần mềm chỉnh sửa hậu kỳ theo kiểu one-click (một nhát ăn luôn) này rất đơn giản: load ảnh vào, bấm vào nút auto (auto white balance là tự động cân bằng trắng lại cho ảnh, auto contrast là tự động tăng giảm độ tương phản lại cho ảnh, v..v..), so sánh với ảnh gốc – nếu thấy đẹp hơn thì save lại, không đẹp bằng thì undo.
 
Thu nhỏ hình trước khi chia sẻ và tăng độ sắc nét (sharpness) cho ảnh sau khi thu nhỏ (resize) hình
 
Với những dịch vụ chia sẻ ảnh trực tuyến như Flickr, 500px hay thậm chí Facebook, cũng đều có một mức giới hạn về dung lượng hoặc kích thước ảnh tối đa được upload lên. Lấy ví dụ với Facebook: nếu bạn upload một file ảnh với kích thước lớn hơn cho phép (tối đa là 1024 pixel), Facebook sẽ tự động resize lại ảnh của bạn tron quá trình uploading. Vấn đề là thuật toán mà Facebook sử dụng để resize ảnh có chất lượng rất tệ, kết quả là ảnh upload lên trên website này thường bị mất chi tiết và vỡ hình kinh khủng. Bởi vậy, bạn nên tự resize hình về kích thước tối đa này bằng một phần mềm nào đó (có thể là Photoscape ở trên) trước khi tải lên để tránh bị Facebook “mó tay vào”.
 
Sau khi resize hình, tức là lược bỏ bớt đi một số pixel trong hình mà phần mềm cho rằng không cần thiết, cần làm tăng độ nét lại cho tấm hình bằng cách sử dụng tính năng sharpen trong phần mềm chỉnh sửa trước khi upload.
 
Tránh lạm dụng chữ ký
 
Chữ ký giúp khẳng định bản quyền của tấm hình. Tuy nhiên, khi hình chụp ra còn chưa đẹp thì bạn đừng quá ham hố chuyện đóng lên nó một cái chữ ký thật oách theo kiểu “abc | photography” hay là “xyz photographer | copyright”.  Chữ ký lúc này rất dễ gây tác dụng ngược, khiến người xem thêm phản cảm với tấm hình.
 
Với một tấm hình đẹp, chữ ký cũng cần chọn lựa font màu cẩn thận, với kích thước vừa đủ và vị trí nằm hợp lý, tránh làm hỏng bố cục hoặc che mất những chi tiết quan trọng của tấm hình.
 
Và cuối cùng: đừng upload tràn lan
 
Thời đại của Facebook, việc đăng tải và chia sẻ ảnh trở nên rất đơn giản và nhanh chóng. Tuy vậy, trừ những album ảnh mang tính chất lưu niệm, với những album ảnh mang hơi hướng nghệ thuật một chút như “Street-life” (Đời thường), “Portrait” (Chân dung), hay “Sen”, “Tháng Tám mùa Thu”, “Chiều ngược nắng”, v…v.. hãy chắt lọc và chỉ đăng tải lên những tấm hình đắt giá nhất. Bấm Next liên tục để xem đến mười mấy tấm hình na ná nhau sẽ khiến người xem ngán đến tận cổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

anh.htt@gmail.com