Tiếp nối bài viết, hôm nay chúng tôi sẽ gửi tới bạn đọc những kiến thức cơ bản nhất
về ống kính máy ảnh. Có nhiều cách phân loại ống kính, tuy nhiên 2 cách
thông dụng nhất là phân loại theo tiêu cự (hay góc nhìn) và phân loại
theo các thông số về độ mở kết hợp với tiêu cự được ghi trên ống kính.
Phân loại theo tiêu cự ống kính
Tiêu cự của ống kính được định nghĩa là khoảng
cách tính từ tâm ống kính (trung điểm đoạn thẳng nối hai tâm đường tròn
thấu kính trước và sau) tới cảm biến của máy.
Tuy nhiên định nghĩa này không mang giá trị gì
mấy đối với người sử dụng, nên có thể hiểu một cách đơn giản là tiêu cự
thể hiện góc nhìn và độ bao phủ diện tích khung hình chụp. Cụ thể: tiêu
cự càng ngắn thì góc nhìn càng rộng, càng thu được nhiều chi tiết cảnh
vật vào trong khung hình và ngược lại, tiêu cự càng dài góc nhìn sẽ càng
hẹp.
Phân loại ống kính theo tiêu cự bao gồm 3 loại ống kính:
- Ống kính góc rộng (wide lens): ống kính
có tiêu cự ngắn (nhỏ hơn 35mm), cho góc nhìn rộng, thường sử dụng để
chụp phong cảnh.
- Ống kính tầm trung (normal lens): ống kính cho góc nhìn trung bình (từ 35 – 70mm).
- Ống kính tầm xa (tele
lens): ống kính tiêu cự dài (hơn 70mm), cho góc nhìn hẹp nhưng có khả
năng “kéo vật lại gần” hơn so với khoảng cách thực (tương tự ống nhòm).
Ống kính tele 70-200mm của các hãng Canon, Nikon, Sigma.
Ảnh chụp ở tiêu cự 18mm.
Ảnh chụp ở tiêu cự 24mm.
Ảnh chụp ở tiêu cự 35mm.
Ảnh chụp ở tiêu cự 55mm.
Trong cùng một khung hình, tiêu cự khác nhau dẫn đến sự thay đổi về tỉ lệ giữa các vật thể cũng như phối cảnh phía sau chủ thể.
Phân loại theo thông số ghi trên ống kính
Trên thân ống kính bao giờ cũng có các thông số
liên quan tới độ mở và tiêu cự của ống kính (độ mở là gì, tác dụng của
chúng ra sao sẽ được nói tới trong các phần tiếp theo sau). Theo đó, có
thể phân chia ống kính ra làm 3 loại khác nhau:
- Ống kính một tiêu cự (prime lens/ fixed
lens): thường gọi là “ống kính zoom chân” do tiêu cự không thay đổi
được, và vì thế khi muốn thay đổi góc nhìn hoặc tỉ lệ chủ thể trong ảnh,
người chụp buộc phải di chuyển cùng với máy. Do tiêu cự không thay đổi
được, nghĩa là khoảng cách giữa hai thấu kính trước – sau được giữ cố
định nên prime lens cho chất lượng hình ảnh rất sắc nét, đặc biệt thường
có độ mở lớn.
- Ống kính dải tiêu cự đa
khẩu độ: là ống kính dạng “zoom”, có khả năng thay đổi tiêu cự trong
một dải cố định hai đầu bằng cách xoay hoặc đẩy lens. Khi thay đổi tiêu
cự trong dải này, độ mở ống kính cũng tự động thay đổi theo.
Ống kính dải tiêu cự đa khẩu độ 18-105mm 1:3.5-5.6 của Nikon.
- Ống kính dải tiêu cự khẩu
độ cố định: tương tự ống kính dải tiêu cự đa khẩu độ, nhưng khẩu độ
không bị thay đổi tự động theo tiêu cự ống kính.
Ống kính dải tiêu cự khẩu độ cố định 24-70mm f1:2.8 L nổi tiếng của Canon.
Ống kính trên máy ảnh du lịch
Tuy không thể tháo rời và thay thế,
nhưng ống kính trên máy ảnh du lịch cũng có thể phân chia theo các cách
trên. Thông thường, chúng là ống kính dải tiêu cự đa khẩu độ. Một số máy
du lịch có khả năng “zoom” rất xa (10x, 15x, 24x, 36x). Trong khi một
số khác lại có khả năng chụp góc cực rộng (24mm), tương đương ống kính
góc rộng. Tuy nhiên, đường kính ống kính nhỏ, cấu tạo ống kính đơn giản
và giá trị độ mở nhỏ là những điểm yếu khiến chất lượng hình ảnh trên
máy du lịch khó có thể đẹp được.
Máy ảnh du lịch P300 có góc chụp rộng 24mm của Nikon.
Máy ảnh siêu zoom 30X Finepix HS20 của Fujifilm.
Cách đọc thông số ghi trên ống kính
Lấy ví dụ với ống kính kit phổ biến của máy ảnh ống kính rời Nikon là (VR) AF-S Nikkor 18-55mm 1:3.5-5.6 G:
AF-S:
hệ ống kính có motor lấy nét tự động (Auto Focus – AF) tiên tiến nhất
của Nikon, cho tốc độ lấy nét nhanh và êm ái (Silent – S).
Nikkor: ống kính dành cho thân máy Nikon.
18-55mm:
dải tiêu cự thay đổi được của ống kính, từ góc nhìn rộng nhất (18mm) cho
tới hẹp nhất (55mm) khi zoom. Có thể thấy ống kính này được xếp vào
loại tiêu cự “bắc cầu” từ góc rộng tới tầm trung theo cách phân loại ở
trên.
1:3.5-5.6:
giá trị độ mở của ống kính. Ở tiêu cự ngắn nhất (18mm) ống kính có thể
đạt được tới độ mở tối đa là f/3.5, và ở tiêu cự dài nhất (55mm) độ mở
tối đa mà ống kính có thể đạt được chỉ là f/5.6.
G: công nghệ thấu kính tiên tiến của Nikon.
Một điểm cần lưu ý ở đây rằng, vì các con số 3.5
hay 5.6 này thực chất đều là mẫu số trong phân số có tử số cố định bằng
1, nên con số này càng cao thì giá trị độ mở lại càng nhỏ (tỉ lệ
nghịch). Ví dụ 1:2.8 (hay f/2.8) sẽ thể hiện độ mở lớn hơn 1:8 (hay
f/8).
VR: cho biết ống kính này được tích hợp tính năng chống rung (Vibration Reduction).
Một ví dụ nữa với ống kính “ngon - bổ - rẻ” của Canon: EF 50mm 1:1.8 II.
EF: hệ ống kính có thể lấy nét tự động hoặc lấy nét bằng tay (Manual Focus) tùy ý muốn người sử dụng.
50mm:
tiêu cự của ống kính. Do chỉ có 1 giá trị (khác với ống kính 18-55mm ở
trên) nên đây là dạng ống kính một tiêu cự (prime lens) như cách chia ở
trên. Đây cũng là ống kính có tiêu cự nằm trong khoảng tầm trung (normal
lens).
1:1.8:
giá trị độ mở tối đa của ống kính. Do tiêu cự không thay đổi được nên độ
mở ống kính cũng có thể giữ cố định, tùy thuộc vào ý muốn người sử
dụng.
II: thế hệ thứ 2 của loại ống kính này.
Một số ký hiệu thường gặp trên ống kính máy ảnh và ý nghĩa của chúng
- VR (ống kính Nikon), IS (ống kính
Canon), OSS (ống kính Sony), OS (ống kính Sigma): đều mang ý nghĩa rằng
ống kính này được tích hợp tính năng chống rung quang. Bằng cách xê dịch
các thấu kính bên trong ống kính, tính năng này sẽ triệt tiêu hiện
tượng rung/nhòe hình trong quá trình chụp.
- Mark I, II, III,…: thế hệ thứ 1, 2, 3,… của loại ống kính này.
- USM (ống kính Canon),
SWM (ống kính Nikon): ống kính lấy nét tự động tốc độ cao và không gây
tiếng ồn. USM là viết tắt của Ultrasonic Motor, SWM là viết tắt của
Silent Wave Motor.
- Macro: ký hiệu bằng
hình một bông hoa (xem ống kính Canon EF 50mm 1:1.8 II ở trên), cho biết
ống kính có khả năng chụp Macro (siêu cận cảnh), lấy nét ở khoảng cách
rất gần so với thông thường.
- G, D, N, L: thể hiện
mức độ hiện đại của kỹ thuật chế tạo ống kính. Trong đó N (Nano) và L
(Luxury) là hai dòng ống kính đẳng cấp cao nhất của Nikon và Canon.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
anh.htt@gmail.com