Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Nhiếp ảnh cơ bản: Vận dụng độ mở ống kính (phần I)

Như đã nói ở bài trước, các yếu tố ảnh hưởng tới độ phơi sáng của một tấm ảnh bao gồm tốc độ chụp, độ mở ống kính và độ nhạy sáng. Trong bài viết về chuyên đề máy ảnh số của tuần này, GenK sẽ phân tích sâu hơn về ảnh hưởng và cách vận dụng độ mở ống kính vào trong một số thể loại ảnh chụp cụ thể.
 
1. Trường độ sâu của ảnh (DOF)
 
Nhiều người mới tập chụp ảnh thường đặt ra một câu hỏi: “Làm thế nào chụp được tấm hình rõ nét mỗi bông hoa như thế kia?”.
 
 
Hoặc “Làm thế nào để chụp được tấm hình với hậu cảnh mờ ảo như thế này?”
 
 
Câu trả lời cho câu hỏi này có liên quan tới trường độ sâu của ảnh.
 
Trường độ sâu của ảnh (Depth of Field – DOF) được định nghĩa là khoảng không gian tính từ vật thể gần nhất tới vật thể xa nhất (so với máy ảnh) hiển thị sắc nét trong tấm ảnh.
 
Như vậy những vật thể nằm ngoài vùng DOF sẽ không còn sắc nét nữa. Từ đó ta suy ra rằng, muốn chụp một tấm ảnh mà phông nền phía sau mờ nhòe (thường gọi là ảnh chụp "xóa phông") thực chất chỉ đơn giản là đặt chủ thể vào bên trong vùng DOF và bỏ phần hậu cảnh muốn làm mờ nhòe lại ở phía sau DOF. Tương tự như vậy muốn làm phần tiền cảnh mờ nhòe, ta cũng đặt chủ thể trong vùng DOF và phần tiền cảnh ở trước vùng DOF.
 
Trong hai ví dụ ở trên, người chụp đã lấy nét vào bông hoa (và cô gái), và tạo ra một vùng DOF cực mỏng, để loại bỏ hoàn toàn các chi tiết ở phần tiền cảnh và hậu cảnh ra khỏi vùng lấy nét.
 
Vấn đề đặt ra là làm sao để xác định và kiểm soát được DOF của ảnh?
 
Ta hãy cùng xem 3 tấm ảnh sau, được chụp với cùng một điều kiện như nhau, đều lấy nét vào gương mặt tượng gần nhất, nhưng với 3 độ mở ống kính khác nhau. Tấm bên trái chụp với f/8.0 có độ mở ống kính nhỏ nhất xem lại bài trước nếu bạn vẫn còn nhầm lẫn như thế nào là độ mở lớn – nhỏ), tấm ở giữa có độ mở ống kính trung bình f/5.6, và tấm bên phải chụp ở độ mở lớn nhất f/2.8.
 
 
Có thể thấy rằng ở tấm bên trái, 3 gương mặt tượng đầu tiên gần như hoàn toàn rõ nét, tới gương mặt tượng thứ tư ở xa nhất mới bắt đầu xuất hiện hiện tượng mờ nhòe.
 
Với tấm ở giữa, chỉ có 2 gương mặt tượng gần nhất là rõ nét.
 
Tấm cuối cùng bên phải, hai gương mặt tượng phía sau gần như không còn rõ chi tiết, trong đó gương mặt tượng ở xa nhất dường như hòa chung vào phần hậu cảnh phía xa.
 
Như vậy có thể thấy rằng, yếu tố tác động tới vùng DOF là độ mở của ống kính. (*) Độ mở ống kính càng nhỏ, vùng DOF càng “dày”, và ngược lại, DOF “mỏng” khi độ mở ống kính lớn. Đó cũng là lý do tại sao các ống kính dùng để chụp chân dung hoặc tĩnh vật lại thường có độ mở lớn, ví dụ 50mm f/1.8, 35mm f/1.4, v..v.. và ống kính càng có độ mở lớn lại càng đắt tiền. Bởi vì chúng có thể tạo ra những vùng DOF cực kỳ mỏng, khiến phần hậu cảnh phía sau mờ nhòe nhiều hơn, và tạo ra bokeh đẹp hơn.
 
Hẳn nhiên đến đây, sẽ lại có rất nhiều bạn thắc mắc: “Bokeh là gì?”
 
2. Bokeh
 
Bokeh được định nghĩa là những điểm sáng nằm ngoài vùng DOF (out-of-focus highlights).
 
Những đốm sáng tròn (vùng khoanh tròn đỏ và các vùng tương tự phía sau chủ thể) là bokeh.
 
Bokeh cũng được chia thành đẹp, xấu, cụ thể như hình dưới đây:
 
Từ trái qua phải: Bokeh đẹp, xấu, và hoàn hảo.
 
Theo đó, bokeh đẹp là bokeh tạo bởi các chùm tia sáng (highlights) có mối liên hệ với nhau, đan xen, hòa quyện vào nhau một cách “mượt mà” (smoothly). Trong khi đó bokeh xấu là bokeh mà các tia sáng gần như tách biệt, trông như thể các vòng tròn ánh sáng sắc nét, góc cạnh, rời rạc, dễ gây cảm giác nhức mắt. Và bokeh “hoàn hảo” là bokeh không chỉ đáp ứng các tiêu chí đẹp, mà tại các điểm giao thoa giữa chúng còn tại ra các hiệu ứng ánh sáng bổ sung (additive brightness).
 
Quay trở lại với 3 tấm hình chụp mặt tượng ở trên:
 
 
Có thể thấy rằng, với định nghĩa và cách phân loại ở trên, bokeh của tấm hình bên trái bị xếp vào loại xấu, tấm hình ở giữa cho bokeh đẹp, và tấm bên phải cho bokeh gần như “hoàn hảo”.
 
Như vậy, ta lại thấy được thêm một tác dụng nữa của độ mở ống kính. Đó là độ mở ống kính càng lớn sẽ cho bokeh càng gần với hình tròn hơn, và sự chuyển tiếp giữa vùng DOF và ngoài DOF sẽ càng “mượt mà” hơn.
 
(*) Cần lưu ý rằng độ mở ống kính có ảnh hưởng nhưng không phải là yếu tố duy nhất chi phối DOF. Ở bài viết tuần sau, GenK sẽ hướng dẫn các bạn cách chụp ảnh với vùng DOF mỏng và tạo hiệu ứng bokeh không chỉ với máy ảnh ống kính rời mà cả máy du lịch nữa!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

anh.htt@gmail.com